Động lực phát triển xã hội dân chủ và giàu mạnh

Cách đây gần 80 năm, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, ra đời. Đó là một nhà nước kiểu mới, đại diện cho quốc gia, dân tộc, khởi đầu cho quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam.
 Các mặt hàng chế biến từ cá tra đang tạo nguồn thu ngoại tệ lớn cho các doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: CAO PHONG
Các mặt hàng chế biến từ cá tra đang tạo nguồn thu ngoại tệ lớn cho các doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: CAO PHONG

Đổi mới để phát triển

Sau chiến tranh, thời kỳ 1976-1980, thực hiện nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp trong thời gian ngắn này, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: Khắc phục từng bước những hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam bị chiến tranh tàn phá…

Những bất cập của cơ chế kinh tế cũ đã dẫn đến một số mô hình đổi mới kinh tế bắt đầu được xây dựng ở một số địa phương trong thời kỳ 1980-2000. Đặc biệt, mô hình khoán sản phẩm vào những năm đầu thập niên 1980 trong nông nghiệp đã tạo được đột phá lan tỏa sang các ngành công nghiệp khác hướng tới nền kinh tế thị trường và là nền tảng cho lý luận và thực tiễn phát triển xã hội trong công cuộc đổi mới.

Công cuộc đổi mới hướng tới nền kinh tế thị trường đã giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của đất nước. Thu nhập bình quân đầu người một tháng của người dân tăng từ khoảng 1.600 đồng (năm 1986) lên đến 295.000 đồng (năm 1999)…

Từ năm 2001 đến nay, cùng với việc triển khai chính sách kinh tế đối ngoại toàn diện và sâu rộng, định hướng phát triển và hoàn thiện cơ chế thị trường đã đem lại vị thế của Việt Nam ngày càng quan trọng trên thế giới và trong khu vực ASEAN (đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường). Năm 2008, nước ta đã ra khỏi nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập trung bình thấp, đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đó là một trong những thành tựu nổi bật nhất của chính sách nhất quán của một nhà nước vì dân.

Nền kinh tế thị trường khuyến khích sản xuất và bán các sản phẩm, dịch vụ với sự kiểm soát hoặc can thiệp hạn chế của chính phủ. Thay vì các giới hạn về giá do chính phủ áp đặt, nền kinh tế thị trường tự do cho phép các mối liên hệ giữa nguồn cung sản phẩm và nhu cầu của khách hàng xác định giá cả. Một nền kinh tế thị trường hiệu quả là nền kinh tế đảm bảo sự vận hành tốt giữa 3 chủ thể là chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những ưu điểm của nền kinh tế thị trường bao gồm: phân bổ nguồn lực hiệu quả được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh, đổi mới và làm giảm sự quan liêu…

Vận hành hợp lý cơ chế thị trường

Mặc dù vậy, theo các nhà kinh tế học về kinh tế thị trường, có 3 vấn đề chính cần lưu ý trong quá trình phát triển và vận hành cơ chế thị trường:

1. Nền kinh tế thị trường cũng có nhược điểm: bất bình đẳng về thu nhập và của cải, thiếu bền vững về xã hội và môi trường, thiếu tính ổn định kinh tế do quy luật chu kỳ phát triển…, và đặc biệt là thiếu dịch vụ, hàng hóa công như hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, y tế, dịch vụ bảo hiểm và phúc lợi xã hội gắn kết với các đô thị, khu dân cư trong xã hội, dẫn đến khoảng cách về tiếp cận và chất lượng cuộc sống.

Việt Nam ngày nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ảnh: LÊ HIỂN

Việt Nam ngày nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ảnh: LÊ HIỂN

2. Chi tiêu của người dân là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế, vì người dân đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, họ có ảnh hưởng đến chủng loại và chất lượng sản phẩm, dịch vụ được sản xuất thông qua các quyết định mua hàng của mình. Vai trò của người dân, người tiêu dùng ngày càng quan trọng khi thu nhập đầu người ngày càng tăng và thị trường ngày càng mở rộng trên thế giới.

Ở Việt Nam, chính sách đổi mới và phát triển kinh tế thị trường xác định rõ người dân vừa là gốc, vừa là mục đích và vừa là chủ thể của nền kinh tế. Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh quan điểm: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”.

3. Công nghệ số đang thay đổi ý thức và hành vi của người tiêu dùng, con số thống kê mới đây công bố trên 70% khách hàng nói rằng quý trọng thời gian của họ là điều quan trọng nhất mà một doanh nghiệp có thể làm để cung cấp cho họ dịch vụ khách hàng trực tuyến tốt.

Để góp phần thúc đẩy và hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng của Nhà nước và xu hướng mới của thị trường, các nhà nghiên cứu kinh tế khuyến nghị nên tập trung nâng cao hiệu quả vận hành của ba chủ thể nền kinh tế:

Chính phủ: Kết hợp vận hành nền kinh tế thị trường hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong việc quản trị hiệu quả mô hình năm nguồn lực kinh tế xã hội để đảm bảo sử dụng và phát triển các nguồn lực mà không làm cạn kiệt chúng theo thời gian, đặc biệt là các nguồn lực con người, tài nguyên và xã hội. Cần xây dựng nhà nước pháp quyền đảm bảo cho các cơ quan nhà nước và chính phủ đóng vai trò là trọng tài để thúc đẩy sự công bằng, minh bạch và ngăn chặn sự hình thành các doanh nghiệp độc quyền.

Doanh nghiệp: Toàn cầu hóa và công nghệ đã thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về thị trường và chuỗi cung ứng sản phẩm. Thời của nhận thức truyền thống về một sản phẩm như một vật phẩm độc lập, với các phương pháp đóng gói và phân phối mang tính chiến thuật ngắn hạn trong lịch sử đã qua rồi. Cần xác định mục tiêu chiến lược cuối cùng là lợi nhuận và tăng trưởng bền vững, với phương pháp kinh doanh là làm cho khách hàng của mình sinh lợi và hiệu quả nhất có thể thông qua việc tập trung quản lý quan hệ khách hàng, điều chỉnh mục tiêu của khách hàng và doanh nghiệp để tạo ra lợi ích đôi bên cả về tiền bạc lẫn thời gian.

Người tiêu dùng: Hơn ai hết, người dân, người tiêu dùng tin rằng khả năng lao động để có thu nhập tốt kết hợp với kỹ năng quản lý tài chính cá nhân để chi tiêu và đầu tư tích cực sẽ đảm bảo cho cá nhân phát triển sáng tạo, trở thành công dân thực sự của nền kinh tế thị trường. Hơn nữa, sự đoàn kết và chia sẻ của những công dân này trong việc xây dựng, phát triển các thể chế, cấu trúc xã hội và hiệp hội người tiêu dùng hướng tới văn hóa tiêu dùng bền vững để bảo vệ, định hướng xu hướng tiêu dùng tích cực trong xã hội sẽ đảm bảo vai trò chủ thể quan trọng của người dân trong cơ chế thị trường, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và hoàn thiện cơ chế thị trường đồng bộ ở nước ta.

Tin cùng chuyên mục