Tại TP Biên Hòa có gần 1,4 triệu dân cùng hàng chục khu công nghiệp đang thu hút rất đông lao động từ các địa phương khác đến làm việc, sinh sống. Hiện nhu cầu về nhà ở của người dân lớn, trong khi việc điều chỉnh quy hoạch về đất ở còn chậm nên nhiều người dân lén lút xây dựng các công trình nhà ở trên đất nông nghiệp.
Trong năm 2022, TP Biên Hòa đã xử phạt 539 trường hợp vi phạm quy định xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, và từ đầu năm 2023 đến nay, ở các phường Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân, Tam Phước, Phước Tân, Hóa An vẫn xuất hiện nhiều công trình xây dựng trái phép. Mới đây nhất, UBND phường Trảng Dài tiến hành cưỡng chế 3 công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại Khu phố 4C và 1 công trình nhà cấp 4 tại Khu phố 5. Trong khi đó, Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (phường Phước Tân, TP Biên Hòa) thành lập từ năm 2000 với khoảng 1,6ha được làm cơ sở xay xát, chăn nuôi và trồng cây ăn trái, nhưng sau đó đi vào hoạt động với sở thú, khu dã ngoại, giải trí, nghỉ dưỡng, ẩm thực; đồng thời mở rộng diện tích lên 42ha dù chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa hoàn tất các thủ tục về đất đai, xây dựng, tài nguyên nước. Lực lượng chức năng TP Biên Hòa đã có kết luận sai phạm về xây dựng tại khu du lịch này, nhưng đến nay các công trình vẫn ngang nhiên tồn tại.
Tình trạng xây dựng trái phép cũng xảy ra tại Cụm công nghiệp Phước Tân (TP Biên Hòa); dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp trên đường Đồng Khởi (TP Biên Hòa)... Theo lãnh đạo TP Biên Hòa, tình trạng xây dựng trái phép ở các phường, xã đang rất nóng và để quản lý đất đai, xây dựng, việc quan trọng nhất là ngăn chặn, xử lý ngay từ lúc mới bắt đầu, tránh hậu quả phức tạp cho các khâu xử lý về sau. Lãnh đạo TP Biên Hòa yêu cầu người đứng đầu các phường, xã phải chịu trách nhiệm trong việc xử lý xây dựng không phép, trái phép ở địa phương; nếu có cán bộ vi phạm về quản lý đất đai phải kiên quyết xử lý.
Không chỉ ở TP Biên Hòa, tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom), chính quyền địa phương cũng vừa xử lý 24/36 trường hợp vi phạm về sử dụng đất đai, trật tự xây dựng và đang “đau đầu” xử lý các trường hợp còn lại. Tương tự, tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) có hơn 10 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích các thửa đất nông nghiệp diện tích từ 10.000-50.000m² để xây dựng nhà xưởng với kết cấu tường gạch, lợp mái tôn từ 100-200m², sản xuất công nghiệp nhiều năm nay nhưng chưa được tháo dỡ…
Theo số liệu của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, trong năm 2022, toàn tỉnh có 681 trường hợp vi phạm về xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt; cơ quan chức năng đã ban hành 112 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng trái phép, không phép…
Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai giám sát tình hình quản lý đất đai và xây dựng trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành phải có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; trong đó, việc xử lý sai phạm đất đai minh bạch, công khai quy hoạch đã được phê duyệt là một trong nhiều việc phải làm sắp tới. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị cơ chức năng rà soát quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị; khi phát hiện sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng phải xử lý một cách nghiêm túc.