Đồng Nai với hiểm họa từ những “đại” Vedan

Đồng Nai với hiểm họa từ những “đại” Vedan

Sau “sự kiện” Vedan, số liệu mới nhất từ Đồng Nai cho thấy, trong số 27 khu công nghiệp (KCN) của Đồng Nai hiện chỉ có 10 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung (XLNTTT), 11 KCN đang và chuẩn bị xây dựng hệ thống XLNTTT, 6 KCN còn lại đang thu hút đầu tư nên kế hoạch xây dựng khu xử lý nước thải xem ra còn khá xa vời. Một điểm chung của tất cả các KCN này là dù đã qua xử lý cục bộ, xử lý tập trung hay chưa xử lý, nước thải ra môi trường đều chưa đạt chuẩn cho phép và có thể coi các KCN tại Đồng Nai là những “đại” Vedan…

Giữa hai luồng nước bẩn

Đồng Nai với hiểm họa từ những “đại” Vedan ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Tú, ấp 3 xã Long Thọ đang chỉ tay vào chỗ nước dâng lên khi nước từ các KCN của Nhơn Trạch xả ra. Ảnh: C.D.

Huyện Nhơn Trạch có thể được coi là nơi có mật độ các KCN dày đặc nhất tỉnh Đồng Nai, từ KCN Nhơn Trạch 1 đến KCN Nhơn Trạch 5, rồi KCN dệt may Nhơn Trạch…

Đây cũng là một trong những khu vực có lượng lớn nước thải chưa qua xử lý và được “đánh giá” là tác nhân cùng với Vedan “giết chết” sông Thị Vải. Sáng 30-9, khu vực cống Lò Rèn, thuộc ấp 2 xã Long Thọ huyện Nhơn Trạch, có 3 miệng cống xả với lượng nước khá ít nhưng có màu nâu đen và mùi hôi bốc lên.

Theo một hộ dân sống sát bên cống, vào buổi tối, ngày cuối tuần hoặc khi trời mưa, nước thải ra thật kinh khủng, mùi hôi thối bốc lên lan ra cả xã. Còn ngày thường, lượng nước thải ra rất ít và mùi hôi thối “tạm chấp nhận” được do người dân nơi đây đã quen sau nhiều năm chịu đựng.

Sau khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi được biết, ba miệng cống lộ thiên nói trên chỉ là hệ thống thoát nước mưa của các KCN, còn nước xả thải từ khu vực sản xuất thì chảy theo hệ thống cống ngầm ra gần đến sông mới lộ ra. Giải thích cho việc vì sao chỉ dùng để thoát nước mưa mà nước từ đây là có màu đen và mùi hôi, ông Trần Tiến Nhạn, cán bộ phụ trách giao thông –thủy lợi xã Long Thọ cho biết: “Mang tiếng là để thoát nước mưa, nhưng cứ hễ mưa xuống thì hệ thống xả thải này được “mượn tạm” để xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý. Chính vì vậy trời càng mưa nước nơi đây càng ô nhiễm…”.

Dẫn chúng tôi đến miệng cống lộ thiên của hệ thống cống xả thải nước sản xuất, một dòng nước đen nâu chảy ra, sủi bọt và bốc mùi hôi. Bà Nguyễn Thị Tú, ấp 3 xã Long Thọ, có nhà nằm sát con suối, dòng chảy chính của dòng nước bị nhiễm bẩn trên bức xúc: “Mới tối hôm qua 29-9 thôi, nước xả quá trời, mùi hôi chịu không nổi. Những lúc mưa hoặc nước lên, nước mưa cộng với nước xả thải tràn vô cả sân trông ghê lắm.

Tại UBND xã Long Thọ, lời nói của bà Tú được chứng minh một cách rất xác đáng, chỉ trong vài ngày trở lại đây, UBND xã đã nhận được 39 đơn thư của 179 người dân của xã khởi kiện, kiến nghị về những thiệt hại do ô nhiễm môi trường nguồn nước của sông Thị Vải. Từ những lá đơn trên, chúng tôi lội bộ vào tận những đập tôm nằm sát đầu dòng sông Thị Vải. Quả thật, khá nhiều đập tôm bỏ không nằm phơi nắng.

Theo anh Nhạn: “Không biết nên gọi đoạn này là đầu hay cuối sông Thị Vải vì khi nước lên, bao nhiêu ô nhiễm từ phía dưới khu vực nhà máy Vedan đẩy lên, còn khi nước xuống thì ô nhiễm từ các KCN Nhơn Trạch chảy ra. Ô nhiễm nơi đây ứ đọng vì chỉ chảy vào chứ không thể chảy ra theo con nước được…”. Đây chính là lý do khiến những người làm nghề nuôi trồng đánh bắt thủy sản nơi đây thất nghiệp từ nhiều năm qua.

Theo số liệu mới nhất từ các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, hiện chỉ riêng KCN Nhơn Trạch 2 có 35 dự án đang hoạt động có tổng lượng nước thải khoảng 12.000m3/ngày, đêm nhưng không có hệ thống XLNTTT (đang hoàn thiện nhưng cũng chỉ có công suất 5.000m3/ngày đêm ) chỉ có 12 doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp đạt chuẩn… Có thể khẳng định, người dân xã Long Thọ đang gánh chịu hai nguồn nước bẩn, một từ Vedan đẩy lên, hai là từ các KCN của Nhơn Trạch chảy ra.

KCN Biên Hòa 1: Ô nhiễm toàn diện

Hiện nay, mỗi ngày KCN Biên Hòa 1 thải ra sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai) gần 9.000m3 nước thải, nhưng chỉ có 200m3 được xử lý “nhờ” qua hệ thống xứ lý nước thải của KCN Biên Hòa 2, số còn lại chưa hề được xử lý và được xả thẳng ra sông. Theo báo cáo mới nhất của Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, hầu hết nước thải của Biên Hòa 1 được đổ thẳng ra sông Cái. Hàm lượng nhiều loại chất độc, kim loại vượt chuẩn nhiều lần. Điển hình như: Xí nghiệp ắc quy Đồng Nai (chất N-NH3 vượt chuẩn 53 lần, chì vượt gần 15 lần), Công ty Ajinomoto Việt Nam (N-NH3 vượt 16 lần, Coliform vượt 31 lần).

Cá biệt, Công ty cổ phần Cơ khí thực phẩm và xây lắp Biên Hòa có hàm lượng chất N-NH3 vượt 241 lần… Đây cũng mới chỉ là thông tin chưa đầy đủ vì còn một bộ phận doanh nghiệp không có thông tin. Chuyện ô nhiễm chất thải công nghiệp nguy hại tại Biên Hòa 1 cũng đáng báo động. Theo cơ quan chức năng tỉnh, mới chỉ khảo sát, điều tra một phần các doanh nghiệp nơi này, mỗi tháng có gần 1.500 tấn chất thải công nghiệp nguy hại được thải ra, nhưng cũng chỉ có hơn 200 tấn trong số này được ký hợp đồng xử lý.

Tại bất cứ đâu dọc đoạn sông Đồng Nai chảy qua KCN Biên Hòa 1 cũng có thể nhìn thấy những miệng cống xả nước thải trực tiếp ra sông. Tại Công ty cổ phần Vận tải Sonadezi, một công nhân của công ty dẫn chúng tôi ra bờ sông, nơi một miệng cống của một công ty dệt nhuộm bên cạnh đang xả trực tiếp dòng nước đen kịt xuống sông Đồng Nai, cho biết: “Tình trạng cá chết nổi lềnh bềnh khi công ty này xả nước là chuyện thường gặp. Chúng tôi đã liên lạc phản ánh với Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai nhưng tình hình cũng không cải thiện…”.

UBND tỉnh Đồng Nai đang xây dựng kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ về việc xin chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành trung tâm thương mại dịch vụ với lý do KCN này đã và đang trực tiếp gây ô nhiễm không khí lẫn nguồn nước của khu dân cư cũng như hạ lưu sông Đồng Nai.

CHIẾN DŨNG – LÊ LONG

Tin cùng chuyên mục