Dòng “sữa đá” chảy vào cuộc sống

Trung tuần tháng 12-2014, tôi có dịp về thăm thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây, cách đây gần 40 năm, tôi đã có mặt trong đoàn người của Công ty Xây dựng số 5 - Bộ Xây dựng, đơn vị chủ lực thi công các hạng mục quan trọng của Nhà máy xi măng Bỉm Sơn.
Dòng “sữa đá” chảy vào cuộc sống

Trung tuần tháng 12-2014, tôi có dịp về thăm thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây, cách đây gần 40 năm, tôi đã có mặt trong đoàn người của Công ty Xây dựng số 5 - Bộ Xây dựng, đơn vị chủ lực thi công các hạng mục quan trọng của Nhà máy xi măng Bỉm Sơn.

Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đi giữa dòng người xe tấp nập, ngắm những ngôi nhà san sát phủ kín những triền đồi. Dòng ký ức về những năm tháng sống và làm việc tại công trường xây dựng nhà máy bỗng hiển hiện.

Hàng ngày, những chuyến xe chở dòng “sữa đá” về mọi miền đất nước.

Chinh phục hang động các tơ

Nhà máy xi măng Bỉm Sơn với công suất thiết kế 1,2 triệu tấn sản phẩm/năm đã được hình thành tại Viện Thiết kế Công nghiệp - Bộ Xây dựng Liên Xô (cũ) trước khi đất nước ta  giải phóng miền Nam. Năm 1976, lễ khởi công xây dựng nhà máy diễn ra và đây là công trình trọng điểm số 1 của Nhà nước lúc bấy giờ. Rất đúng, đất nước ta vừa trải qua cuộc chiến tranh chống ngoại xâm khốc liệt, địa phương nào cũng cần tái thiết lại nhà cửa, đường sá, cầu cống… đã bị bom đạn tàn phá nặng nề. Bởi vậy, xi măng phải là loại vật liệu tiên phong. Thời điểm năm 1976, xi măng sản xuất được từ các nhà máy đã có, ở cả ba miền Bắc - Trung  - Nam nhưng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu.

Đang hăm hở xáo tung mặt bằng thi công móng các hạng mục nhà máy chính, thì một sự cố bất ngờ ập đến, khiến cả công trình ỉu xìu như bánh đa nhúng nước. Ấy là khi những mũi khoan thăm dò địa chất công trình đợt cuối cùng đã phát hiện ra có hang động các tơ nằm sâu trong lòng đất dưới các hạng mục bể bùn, lò nung, xưởng nghiền… Lệnh phát ra, tạm thời dừng thi công móng nền toàn bộ nhà máy để xử lý hang động xuất hiện bất ngờ. Tôi xin có đôi dòng nôm na giải thích về sự hành trình hang động các tơ, để độc giả nắm bắt bản chất của nó. Ở những vùng có núi đá vôi, dưới chân núi thường có hang động các tơ lớn nhỏ nằm sâu trong lòng đất, trải rộng ra xung quanh mấy kilômét. Ông bà mình từ thực tế cuộc sống đúc rút ra câu ngạn ngữ “Nước chảy đá mòn”, hang động các tơ cũng nằm trong trường hợp ấy. Nếu như núi bị nước “đục đẽo” trên mặt đất thì tạo ra những kỳ quan thiên nhiên, còn bị nước “đục đẽo” sâu dưới lòng đất hàng chục mét sẽ gây ra không ít phiền toái cho con người khi xử lý móng nền các công trình lớn.

Nhiều biện pháp khắc phục được đưa ra và thực hiện, nhưng đều thất bại. Giữa bối cảnh công trường tiến thoái lưỡng nan, tiến sĩ Atramốp, Viện trưởng Viện Địa chất công trình Liên Xô, 73 tuổi, được Liên Xô cử sang trợ giúp. Mọi người hy vọng, với bề dày kinh nghiệm xử lý nhiều dạng nền móng cho các công trình trên toàn Liên bang Xô Viết, tiến sĩ Atramốp sẽ nhanh chóng đưa ra biện pháp chinh phục hang động các tơ.

Ông già Nga

Có mặt ở Bỉm Sơn chiều hôm trước, sáng hôm sau, tiến sĩ Atramốp đã ra mặt bằng khảo sát đất đá từ các mũi khoan đưa lên. Ông không ngần ngại bốc từng nắm đất đá đưa lên mắt ngắm kỹ, rồi vò vò cho tơi ra trong bàn tay mình. Đêm đến, ông vùi đầu vào những thông số kỹ thuật, hồ sơ lưu trữ các dội khoan thăm dò cung cấp. Vài ngày sau, ông trực tiếp chỉ đạo khoan tiếp một số mũi khoan nữa ở các vị trí khác nhau khắp mặt bằng, nhằm đánh giá một cách tổng quát hang động các tơ trong lòng đất Bỉm Sơn sâu nông thế nào. Sau 2 tuần làm việc cật lực, vận dụng khối kiến thức tiềm tàng tích lũy được trong gần 50 năm lăn lộn trên các công trường lớn, tiến sĩ Atramốp đã đưa ra biện pháp chinh phục hang động các tơ: “Để xử lý hang động các tơ hiệu quả nhất, không một rung động nào ảnh hưởng đến nền móng nhà máy, tôi xin đưa ra biện pháp thế này. Chúng ta phải bóc hết lớp đất đá phía trên hang động, để nhìn tận mắt mặt mũi, gan ruột lũ các tơ này phức tạp ra sao. Rồi dùng mìn đánh sập tất cả… Sau đó dọn vệ sinh sạch sẽ, đổ bê tông toàn khối đến cốt thiết kế công trình như cũ. Biện pháp này tuy có kéo dài thời gian thi công và tốn kém thêm bê tông nhưng sẽ bảo đảm cho nhà máy hoạt động mãi mãi”.

Để có thêm lực lượng chinh phục các tơ, giữ vững tiến độ xây dựng xi măng Bỉm Sơn, Bộ Xây dựng đã điều thêm nhiều người, xe, máy từ nơi khác đến chi viện cho công trình trọng điểm số 1. Tại tất cả các hạng mục bể bùn, đầu nóng, lò nung đầu lạnh… đều tổ chức làm 3 ca liên tục. Ngày hay đêm trên công trường tiếng nổ của các loại máy đào, máy xúc, máy ủi, xe ben làm việc hết công suất khiến không gian cứ sôi lên sùng sục. Những chàng trai, cô gái lặn ngụp trong nắng mưa, bùn đất đưa từng tảng đá, xô đất từ dưới hố móng sâu hàng chục mét lên, trên môi vẫn tươi tắn nụ cười. Dường như ai cũng muốn được đóng góp sức mình nhanh chóng chinh phục hang động các tơ, cho dòng “sữa đá” sớm chảy vào cuộc sống

Trong rất nhiều sự kiện đáng nhớ của chiến dịch chinh phục hang động các tơ ở xi măng Bỉm Sơn gần 40 năm trước, hình ảnh ông già Nga, tên gọi thân mật, yêu mến mà dân công trường đã dành cho tiến sĩ Atramốp chỉ sau 1 tháng ông chỉ huy mọi người đánh trận đánh lớn này, cứ ẩn hiện trong tâm trí tôi từ bấy đến nay. Những hố móng sau khi được đào chạm vào mặt mũi hang động các tơ, hố nào cũng sâu từ 15m trở lên, muốn xuống phải lần theo những bậc thang sắt gần như dựng đứng. Vậy mà ông già Nga vẫn leo lên, leo xuống hết hố móng này đến hố móng khác, luồn lách trong hang động để chỉ đạo cho công nhân cách đánh sập nó… Mỗi ngày tính ra ông phải leo lên, leo xuống như thế vài chục lần, mồ hôi ròng ròng chảy, mặt mũi đỏ gay trong cái nắng nhiệt đới. Ai cũng phục sát đất sức dẻo dai của ông già Nga ấy.

Hang động các tơ ở từng hố móng đã bị đánh sập, các mảnh vỡ của nó được chuyển lên mặt đất hết. Trước khi đổ bê tông toàn khối, đáy và thành hố móng phải được làm vệ sinh kỹ. Ông già Nga khó tính bắt cán bộ kỹ thuật hướng dẫn công nhân cạy, nạo từng xăngtimét vuông mặt đá cho không còn tí đất nào bám dính. Bẩn một chút thôi, đừng hòng ông ký nghiệm thu cho. Ở nhiều hố móng, tiến sĩ Atramốp còn sẵn sàng rút mùi xoa trong túi ra, lau vào mặt đá, nếu như có bùn đất bám vào là mời mọi người tiếp tục chùi rửa. Vệ sinh, hai cái từ tưởng như nhẹ nhàng ấy, lại là cái công việc nặng nề nhất trong chiến dịch chinh phục hang động các tơ. Bởi đây là công việc làm hoàn toàn thủ công, ở nhiều hố móng, chỉ còn chờ chữ ký nghiệm thu của cán bộ ta, chuyên gia Liên Xô là bê tông ào ào trút xuống. Một cơn mưa bất ngờ ập đến, nước đổ ào ào, hố móng thành nơi chứa nước, thế là lại bơm nước lên cọ rửa lại từ đầu… Song hành cùng công trường suốt giai đoạn kéo dài đến 6 tháng ấy, ông già Nga đã gieo vào chúng tôi sự quý trọng thực sự.

Những minh chứng đẹp nhất

Năm 1982, Nhà máy xi măng Bỉm Sơn cho ra lò mẻ sản phẩm đầu tiên trong sự phấn khởi tột cùng của cả người làm ra nhà máy và người vận hành nhà máy. Trên bao bì xi măng Bỉm Sơn in biểu tượng hình con voi. Tại sao không là con gấu, con hổ mà lại là con voi, có người bật lên câu hỏi đó. Lời giải thích như sau: Nhà máy xi măng Bỉm Sơn được xây dựng ngay dưới chân dãy núi đá vôi Tam Điệp, nơi ngày xưa hành quân từ Nam ra Bắc tiêu giặc Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long, Vua Quang Trung đã cho quân sĩ, voi chiến, ngựa chiến dừng chân nghỉ lại nơi này ăn tết sớm, để rồi làm cuộc hành quân thần tốc, tạo ra những trận Ngọc Hồi, Đống Đa lịch sử… nên hôm nay con voi được chọn là biểu tượng của xi măng Bỉm Sơn sẽ hợp với tình người. 

Vẫn là mạch dòng “sữa đá” chảy vào cuộc sống, nhưng đến đây tôi xin chuyển hướng bài ký sự đến với những người trực tiếp làm ra dòng “sữa đá” ấy. Đó là đơn vị tiếp quản và vận hành nhà máy - tiền thân của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn hôm nay. Muốn nắm bắt rành rẽ từ đá vôi, đất sét… hóa thân thành hạt xi măng thì phải vào nhà máy gặp những chủ nhân thực sự của dòng “sữa đá”. Thật thú vị trong đợt đi thực tế sáng tác về Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, người được giao nhiệm vụ hướng dẫn, cung cấp tư liệu cho đoàn, lại là một người quen cũ với tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Hẹn, cán bộ Ban Tuyên truyền thi đua nhà máy. Tôi gặp chị Hẹn lần đầu và quen biết nhau trên Đường 20 quyết thắng ở Trường Sơn. Tôi cứ ngỡ, nếu có dịp gặp lại chị Hẹn, sẽ là ở một trường cấp 2 nào đó. Ai ngờ lại tái ngộ chị ở Bỉm Sơn này.

Con đường bê tông nội bộ nhà máy phẳng lì nâng bước chúng tôi đi. Vừa đi chị Hẹn vừa giải thích: “Ngọn lửa từ đầu nóng và lò nung là 1.350°C, khi đến đầu lạnh đã giảm xuống còn 250°C thôi. Bùn hỗn hợp được nung nóng thành lanh ke, rồi chuyển vào ủ ở xiloximăng…”. Đi bên con trăn sắt khổng lồ - lò nung dài 180m - hơi lửa nóng từ nó tỏa ra làm cho gò má chị Hẹn hồng lên tự lúc nào, óng ánh dòng mồ hôi tuôn chảy. Rồi chị bảo tôi thử làm một phép tính đơn giản, khi nhà máy khai thác hết công suất thiết kế là 1,2 triệu tấn/năm, chia ra bình quân mỗi ngày Bỉm Sơn gửi vào cuộc sống 3.300 tấn xi măng. Rồi hãy tiếp tục làm một phép chia nữa, mỗi chiếc xe tải chở được 10 tấn thì biết ngay vì sao mật độ xe cộ của Bỉm Sơn năm tháng này tăng lên đột biến. Đường sá, bãi đậu đều quá tải là đương nhiên thôi… Đi suốt dãy nhà máy cùng chị Hẹn, từ lò nung sang xưởng nghiền, xưởng đóng bao, mỗi con người tôi gặp, mỗi công việc họ làm là lời minh chứng đẹp nhất cho dòng “sữa đá” chảy vào năm tháng.

Đêm Bỉm Sơn, đứng từ ban công tầng 7 khu trụ sở Nhà máy xi măng Bỉm Sơn ngắm nhìn những con đường bao quanh. Tấp nập những dòng thợ xây dựng, thợ làm ra xi măng thay ca, đổi kíp. Và cả những cô gái, chàng trai rất trẻ. sau một ngày làm việc vất vả, tối đến diện những bộ quần áo sặc sỡ thong dong dạo ở triền đồi, đón gió biển thổi vào. Từng gương mặt trẻ trung, sáng lên trong ánh điện như nói với tôi, cuộc đời của họ đã gắn liền với thị xã mới này. Xa xa một chút, cây ống khói cao 100m, thả dòng khói trắng vào không trung mờ ảo, khói của Nhà máy xi măng Bỉm Sơn là khói sạch, đã được lọc qua bộ lọc tĩnh điện, không gây ô nhiễm cho cư dân miền đồi. Từ đây, tôi còn có thể nhìn được con đường dốc vượt đồi Mơ ra trung tâm thị xã. Những chiếc ô tô cõng nặng trên lưng hạt xi măng, nối đuôi nhau ì ạch vượt con dốc dài…

PHẠM MINH DŨNG

Tin cùng chuyên mục