UBND xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức lễ đón nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây là xã đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ một xã vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn, tuy nhiên sau 4 năm vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đến nay trục giao thông về các ấp, liên xã… được đầu tư mở rộng; hệ thống đê bao, cống đập được nâng cấp chống lũ an toàn, đảm bảo sản xuất quanh năm; chính quyền và người dân chủ động các mô hình làm ăn hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu. Hiện tại tỷ lệ hộ nghèo ở xã chỉ còn 3,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng…
Theo ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, đạt được kết quả khả quan trên là nhờ việc tuyên truyền vận động sâu rộng để mọi người dân hiểu về xây dựng nông thôn mới, từ đó đồng tình ủng hộ. Xã đề ra phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua đó đã huy động được gần 284 tỷ đồng, trong đó có trên 172 tỷ đồng do dân đóng góp để thực hiện các công trình thiết yếu, tạo bộ mặt của xã khang trang, hiện đại.
NGUYỄN THANH
Đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Cao Lãnh và Vàm Cống
Bộ GTVT vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về công tác xây dựng cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đến nay các ngành chức năng đã giải phóng mặt bằng dự án cầu Cao Lãnh đạt hơn 85%, cầu Vàm Cống đạt khoảng 99%; riêng tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống sắp làm xong.
Đối với tiến độ thi công, đến thời điểm này cả 2 cầu Cao Lãnh và Vàm Cống đang được thi công liên tục và đạt hơn 23%, đây là nỗ lực lớn của địa phương và các nhà thầu. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp nhanh chóng xử lý một số vướng mắc để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo thiết kế, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối liền huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) có tổng mức đầu tư hơn 271 triệu USD, từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền nối liền TP Cao Lãnh với huyện Lấp Vò, tổng mức đầu tư 145 triệu USD, do Chính phủ Australia viện trợ vốn không hoàn lại và vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Dự kiến 2 cây cầu này sẽ hoàn thành vào năm 2017.
NGỌC DÂN
Vĩnh Long: Trồng hành lá theo tiêu chuẩn VietGAP
Chiều 27-12, ông Nguyễn Cao Miên, Chủ nhiệm HTX Rau củ quả Tân Bình (huyện Bình Tân) cho biết, sau hơn 6 tháng thực hiện sản xuất hành lá theo tiêu chuẩn VietGAP; mới đây Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cùng Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6, đã trao giấy chứng nhận VietGAP cho 10 nông dân của HTX Rau củ quả Tân Bình, với diện tích sản xuất 5ha.
Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 86 triệu đồng, trong thời hạn 2 năm. Quy trình sản xuất này đã đáp ứng 49 tiêu chí khắt khe. Và đây là sản phẩm hành lá đầu tiên ở Vĩnh Long đạt tiêu chuẩn này.
Hành lá là loại rau màu có giá dao động 500.000 - 700.000 đồng/tạ. Với giá trên, bình quân nông dân thu lời khoảng 15 triệu đồng/công sau khi trừ chi phí, mức lợi nhuận rất cao so với nhiều loại cây trồng khác. Hiện Công ty Nam Phương ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho hành lá VietGAP của nông dân trong HTX Tân Bình với giá cao hơn thị trường từ 300 - 500 đồng/kg.
AN BÌNH
Sạt lở kè biển xã Hiệp Thạnh (huyện Duyên Hải, Trà Vinh) do thi công chưa làm hết trách nhiệm
Như Báo SGGP đã đưa tin, vừa qua, triều cường làm sạt lở nhiều đoạn kè biển xã Hiệp Thạnh (huyện Duyên Hải, Trà Vinh), nguyên nhân sóng biển đánh sập hơn 40m kè bảo vệ bờ biển tại ấp Bàu, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải là do không bảo vệ được khóa đầu kè khi triều cường dâng quá cao. Mặt khác, tại điểm khóa đầu kè là vị trí xung yếu, nước biển đã khoét sâu vào đất liền hơn 50m so với thời điểm thi công.
“Đây là lỗi chủ quan của chủ đầu tư; đơn vị tư vấn thiết kế; đơn vị thi công”, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh khẳng định. Công trình kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh (giai đoạn II) tại ấp Bàu, dài 700m, kinh phí đầu tư 44 tỷ đồng, do Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh làm chủ đầu tư. Công trình được nghiệm thu và bàn giao ngày 27-12-2012.
Để khắc phục hậu quả sạt lở, ông Nguyễn Văn Phong yêu cầu các ngành liên quan phải tìm biện pháp chặn đứng việc sạt lở; phần đã sạt lở sẽ có kế hoạch khắc phục kịp thời. Riêng đoạn dự kiến (400m) xây dựng mới sẽ hoàn thành thủ tục khảo sát, thiết kế trước Tết Nguyên đán để qua tết sẽ triển khai thi công.
ĐÌNH CẢNH