Đồng Tháp: Trên 300 tỷ đồng trôi theo lũ

Lũ tiếp tục “nuốt” đê
Đồng Tháp: Trên 300 tỷ đồng trôi theo lũ

* Chủ động chống bão số 6
Đồng Tháp là một trong những địa phương đang bị lũ lớn hoành hành trên diện rộng. Mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đối phó, nhưng do sức công phá dữ dội của lũ khiến mức độ thiệt hại về người và của cứ tăng từng ngày.

Người dân huyện Tân Hồng, Đồng Tháp tiếp tục gia cố đê chống lũ. Ảnh: H.Lợi

Người dân huyện Tân Hồng, Đồng Tháp tiếp tục gia cố đê chống lũ. Ảnh: H.Lợi

Lũ tiếp tục “nuốt” đê

Tại Đồng Tháp, tình trạng vỡ đê tiếp tục xảy ra. Khoảng 0 giờ 20 phút sáng 2-10, tuyến đê bao bờ Nam kênh Bắc Viện thuộc ấp Thi Sơn, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng bị vỡ, nước lũ tràn vào nhấn chìm trên 360ha lúa vụ 3 (50 - 65 ngày tuổi) gây thiệt hại 100%. Ông Trần Quốc Hội, Chủ tịch UBND xã Tân Thành A, cho biết lúc đầu dòng nước xoáy làm sụp đoạn đê khoảng 4m, sau đó nước từ bên ngoài tràn vào dữ dội phá nát đoạn đê rộng đến gần 30m. Do áp lực nước lũ quá lớn nên mọi giải pháp cứu đê đều thất bại. Lũ cuốn trôi luôn một chiếc xáng cạp và một chiếc phà sắt vào trong đê. Một xe gắn máy, một máy phát điện và nhiều vật tư, phương tiện ứng cứu cũng bị nước lũ cuốn trôi hết.

Trong 5 ngày gần đây, chỉ riêng địa bàn xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng xảy ra 2 vụ vỡ đê làm mất trắng khoảng 860ha lúa vụ 3. Ông Trần Quốc Hội, Chủ tịch UBND xã Tân Thành A, lo lắng: Toàn xã có 936 hộ nghèo và 312 hộ cận nghèo, do đó nguy cơ đói trong những ngày tới có thể trở thành hiện thực. Theo ông Phan Thanh Xuân, Thường trực Ban chỉ huy PCLB huyện Tân Hồng, nếu 8.000ha lúa vụ 3 còn lại của Tân Hồng tiếp tục bị vỡ đê, sẽ là thảm họa lớn.

Sở NN-PTNT Đồng Tháp thừa nhận, hơn 20.000ha lúa vụ 3 ở các huyện phía Bắc của tỉnh đang căng như dây đàn, các tuyến đê bị rò rỉ kéo dài, cộng nền đất mềm nên sức chống chịu rất yếu, khả năng đê bị vỡ bất cứ lúc nào. Quan điểm của tỉnh là tiếp tục huy động lực lượng, cùng nhiều vật tư, phương tiện cố hết sức giữ đê bảo vệ lúa.

Thiệt hại ngày càng tăng

Chiều 2-10, theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp, tại 2 huyện Châu Thành và Tháp Mười vừa xảy ra 3 trường hợp trẻ em bị chết đuối do lũ, nguyên nhân xác định ban đầu do gia đình bất cẩn. Như vậy, trong 6 ngày gần đây trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra 5 trường hợp chết đuối. Ngành GD-ĐT Đồng Tháp đã cho 217.940 học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học tránh lũ.

Hiện tại, nước lũ các khu vực các huyện phía Bắc tỉnh Đồng Tháp đang xuống 1 - 6cm/ngày, trong khu vực Đồng Tháp Mười lên 5 - 8cm/ngày. Mực nước các nơi trong tỉnh còn cao hơn mức báo động 3 khoảng 0,15 - 0,38m.

Đến nay, Đồng Tháp có 5.963 căn nhà bị ngập nước, đã di dời 382 hộ; 1.060ha lúa vụ 3 bị mất trắng; 929ha hoa màu bị ngập thiệt hại; 3.176 ha cây ăn trái bị ngập, trong đó 375ha thiệt hại 100%; 564 ha thủy sản bị lũ cuốn trôi.

Nhiều tuyến đường nông thôn ở Đồng Tháp ngập nước. Ảnh: Huỳnh Phước Lợi

Nhiều tuyến đường nông thôn ở Đồng Tháp ngập nước. Ảnh: Huỳnh Phước Lợi

Chiều 2-10, ông Dương Nghĩa Quốc, Phó trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp, lo lắng: Lũ lớn đang bao vây Đồng Tháp. Ở các huyện phía Bắc có hàng ngàn người ngày đêm gia cố đê bảo vệ hơn 20.000ha lúa vụ 3. Nước lũ đang vây hàng chục ngàn hécta vườn cây ăn trái các huyện phía Nam.

Trước tình hình trên, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, vừa có thư cảm ơn sâu sắc gửi đồng bào, chiến sĩ đã cùng nhau hợp sức chống lũ trong những ngày qua. Đến nay, theo thống kê sơ bộ, mức thiệt hại do lũ gây ra ở Đồng Tháp trên 300 tỷ đồng và con số thiệt hại này sẽ còn tăng cao trong những ngày tới.

Huỳnh Phước Lợi


 An Giang hàn thành công 2 tuyến đê xung yếu

Chiều 2-10, ông Nguyễn Văn Tuội, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCLB huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, cho biết, đến thời điểm này, việc hàn tuyến đê kênh 7, ấp Long Hưng, xã Ô Long Vĩ bị vỡ đã thành công. Các kỹ sư nông nghiệp đã đến khảo sát và khẳng định lúa bị ngập vẫn có khả năng phục hồi tốt trong vòng 7 ngày tới.

Hiện tại, hệ thống 18 tổ máy bơm công suất lớn đang hoạt động 24/24 để đưa nước từ trong cánh đồng ra bên ngoài cứu lúa. Có 1.500ha lúa trong 3 ô bao bị nước lũ nhấn chìm do vỡ đê kênh 7. Trong khi đó, tuyến đê xung yếu tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên cũng được lực lượng PCLB hàn xong. Việc bơm nước ra ngoài đang được khẩn trương tiến hành, hoàn toàn có thể cứu được hơn 500ha lúa bị ngập.

B.Đại


Quảng Bình: Lũ rút chậm, dân khốn đốn

(SGGP).- Chiều 2-10, tại Quảng Bình vẫn còn hơn 2.000 hộ dân bị lũ cô lập. Nghiêm trọng nhất là xã Tân Hóa và 3 bản người Rục gồm: Ón, Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa.

Rốn lũ Tân Hóa vẫn nước ngập sâu chạm mái nhà, hàng ngàn người dân gồng mình với lũ. Huyện Minh Hóa đã cấp cho xã Tân Hóa 20.000 viên cloramin và 30kg thuốc khử trùng nhằm xử lý nguồn nước sinh hoạt trong lũ.

Trong khi đó, tại xã Thượng Hóa, 4 tấn gạo cứu đói đang rất khó tiếp tế cho 600 người Rục, do các bản bị chia cắt nghiêm trọng. Tin từ Đồn biên phòng 585 đóng chốt với đồng bào Rục cho biết, lũ rút đến ngưỡng vượt các ngầm an toàn, cán bộ chiến sĩ biên phòng sẽ gùi gạo đi bộ đến từng bản cứu đói đồng bào và giúp dân chằng néo nhà cửa chống bão.

Làng mạc bị lũ vùi dập. Ảnh: Minh Phong

Làng mạc bị lũ vùi dập. Ảnh: Minh Phong

Người dân đợi thuyền đến cứu hộ. Ảnh: Minh Phong

Người dân đợi thuyền đến cứu hộ. Ảnh: Minh Phong

Người dân lên núi tránh lũ. Ảnh: Minh Phong

Người dân lên núi tránh lũ. Ảnh: Minh Phong

MINH PHONG

Chủ động chống bão số 6

(SGGP).– Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, chiều và tối qua 2-10, vị trí tâm bão số 6 (Nalgae) đã ở vào khoảng 17 độ vĩ Bắc và 115,9 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (khoảng 103 - 117km/h), giật cấp 12, cấp 13. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km.

Chiều 3-10, tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ vĩ Bắc và 113,4 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.

Trước tình hình trên, chiều 2-10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương tiếp tục có cuộc họp về biện pháp ứng phó với bão số 6 và lũ lớn ở ĐBSCL, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cho biết bão số 6 mạnh lên rất nhanh. Vào ngày 1-10, bão số 6 đạt cấp mạnh nhất trong thang bão, cấp 17. Tuy nhiên, trong ngày 2-10, sau khi tràn qua Philippines thì bão lại suy yếu đi một chút, hiện đạt cấp 12 - 13. Hôm nay 3-10, bão số 6 sẽ di chuyển tương đối ổn định, với vận tốc 10 - 15km/h. Đến ngày 4-10, bão sẽ đi vào khu vực Tây Bắc của quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, từ thời điểm này, hướng di chuyển cũng như cường độ của bão rất phức tạp và khó dự báo.

Mặc dù chưa thể khẳng định bão số 6 có đổ bộ trực tiếp vào nước ta, song theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các địa phương không được chủ quan. Bởi đây là cơn bão thứ 3 liên tiếp gây ảnh hưởng đến nước ta trong một khoảng thời gian ngắn. Trong khi đó, tình huống xấu nhất là bão đổ bộ vào khu vực miền Trung, hầu hết các hồ chứa ở đây rất nhỏ, không có khả năng cắt lũ, hiện nước cũng đã cao.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tất cả các địa phương khi đã được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão thì phải chống bão với tinh thần bão đổ bộ trực tiếp vào địa phương mình. Trong phòng chống lụt bão lúc nào cũng phải dự phòng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Riêng về an toàn trên biển, theo Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, hiện đã thông báo, kêu gọi được 21.516 tàu, thuyền với 107.701 lao động và 326 lồng bè với 738 lao động biết vị trí, diễn biến của bão số 6 để chủ động phòng tránh. Từ trước cơn bão số 5 đến nay đã không có tàu thuyền còn hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Bắc biển Đông.

Ngày 2-10, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương tiếp tục có công điện số 36 gửi các tỉnh, thành ven biển từ Thanh Hóa tới Phú Yên yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, đề phòng tình huống xấu nhất là bão có thể đổ bộ.

Ph.Hậu

Tin cùng chuyên mục