Việt Nam đang ở thời điểm quyết định, để khống chế, đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19. Chưa bao giờ, kể từ sau những cuộc chiến tranh, đất nước lại được đặt vào hoàn cảnh khó khăn, gần “thời chiến” như hiện nay. Dù chưa công bố tình trạng khẩn cấp, hay thực hiện phong tỏa một thành phố, áp dụng lệnh giới nghiêm, nhưng các biện pháp “nhiều giới hạn”, cương quyết đã được áp dụng trên cả nước, nhất là ở Hà Nội và TPHCM - 2 thành phố lớn nhất cả nước, có số ca bệnh Covid-19 nhiều nhất, với nhiều người cách ly nhất và cũng là 2 nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Từ ngày 28-3, thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng, cả nước dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng…, với thời gian áp dụng đến hết ngày 15-4.
Đây được xem là “thời điểm vàng”, “giờ vàng” trong phòng chống dịch Covid-19, vì vậy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan, “chống dịch như chống giặc”. Thủ tướng và cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.
Với cách tiếp cận và hành động sớm, cụ thể, quyết liệt, đồng bộ, có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn 1 và 2 vừa qua, Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch Covid-19. Việt Nam đã, đang tập trung tất cả mọi nguồn lực, chuẩn bị các phương án, kịch bản theo đúng 5 giai đoạn - hiện ở giai đoạn 3. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và khuyến cáo của cơ quan y tế, chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành công như 2 giai đoạn qua.
Theo thống kê trên thế giới, thời gian trung bình để số ca nhiễm Covid-19 từ 100 lên 1.000 là 9 ngày (riêng Nhật Bản là 28 ngày). Theo logic đó, ngày 22-3 Việt Nam đã ghi nhận 100 ca nhiễm mới (không tính 16 ca trong giai đoạn 1) thì hết ngày 31-3 sẽ có 1.000 ca nhiễm. Nhưng đến ngày 29-3, dù diễn biến phức tạp, nhất là với “ổ dịch” ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cả nước mới chỉ ghi nhận 179 ca, trong đó có 21 ca đã hồi phục, chưa có ca tử vong. Điều đó chứng minh các giải pháp, hành động của Việt Nam đến thời điểm này rất hiệu quả.
Đây là kết quả sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đến mỗi người dân; là sự “hy sinh thầm lặng” của hàng chục vạn y bác sĩ, lực lượng vũ trang đang làm việc trên mọi miền đất nước; là sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; là sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 đã và đang diễn ra. Đó là cũng là điều mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng làm được trong cuộc chiến này.
Một chuyện tưởng như nhỏ nhặt là đeo khẩu trang, nhưng ở Hà Nội đã có trường hợp bị phạt vì không đeo khẩu trang nơi công cộng. Toàn bộ các tuyến xe buýt ở Hà Nội ngừng hoạt động từ ngày 28-3. Gần một nửa số tuyến xe buýt ở TPHCM cũng dừng hoạt động. Vietnam Airlines giảm từ 35 đường bay nội địa xuống còn 8 cho đến ngày 15-4. Chưa bao giờ, Hà Nội và TPHCM lại “vắng người” trên mọi phương diện như những ngày qua, kể cả trong dịp Tết Âm lịch... Nhưng đó là sự “vắng vẻ” cần thiết để có thể chiến thắng dịch Covid-19.
Cách đây 45 năm, vào thời điểm này, quân và dân Việt Nam đã có thắng lợi cuối cùng trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Một chiến thắng có tính quyết định, mở ra thời cơ mới, thế và lực vững chắc hơn, để hoàn thành Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hiện tại, trong vòng 15 ngày, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định, với những hành động quyết định để khống chế và đẩy lùi dịch Covid-19. Tất cả đang diễn ra và chắc chắn sẽ còn những khó khăn, phức tạp, thậm chí là hy sinh, nhưng chúng ta đã và đang có niềm tin vững chắc: Việt Nam sẽ chiến thắng!