Đồng ý bổ sung thẩm phán cho ngành tòa án

• Thẩm phán sẽ mặc áo choàng đen dài tay khi xét xử?
Đồng ý bổ sung thẩm phán cho ngành tòa án

• Thẩm phán sẽ mặc áo choàng đen dài tay khi xét xử?

(SGGPO).- Chiều 13-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về trang phục thẩm phán, hội thẩm, Giấy chứng minh thẩm phán và hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong tòa án nhân dân; việc bổ sung số lượng thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp; Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về chế độ phụ cấp đối với kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Liên quan đến nội dung bổ sung số lượng thẩm phán cho tòa án các cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết, để phúc đáp kịp thời việc thi hành Luật tổ chức TAND năm 2014, Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị quyết của Quốc hội, UBTP thống nhất đề nghị trước mắt UBTVQH xem xét bổ sung một số chỉ tiêu thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp cho các tòa án trên cơ sở giữ nguyên tổng số biên chế của các tòa án theo Nghị quyết số 473a/NQ-UBTVQH13.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga trình bày tại phiên họp UBTV Quốc hội

UBTP tán thành với đề nghị bổ sung thêm 67 thẩm phán cao cấp cho 3 TAND cấp cao; bổ sung 65 thẩm phán cao cấp cho 63 TAND cấp tỉnh (mỗi TAND cấp tỉnh có 1 thẩm phán cao cấp, riêng TAND thành phố Hà Nội và TAND TPHCM có 2 thẩm phán cao cấp), tương tự như số lượng kiểm sát viên cao cấp tại 63 VKSND cấp tỉnh vừa được UBTVQH quyết định theo Nghị quyết số 1155/NQ-UBTVQH ngày 02/3/2016.

Trước mắt, đề nghị chưa bổ sung 117 thẩm phán trung cấp cho TAND cấp tỉnh, chờ đến khi Đề án về vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới xem xét tổng thể.
 
UBTP tán thành với đề nghị của TANDTC, mỗi TAND cấp huyện có 2 thẩm phán trung cấp. Do đó, sẽ có 1.420 thẩm phán trung cấp bổ sung cho TAND cấp huyện.
 
Về số lượng thẩm phán cần bổ sung, đa số ý kiến cho rằng, số lượng vụ án tại các TAND cấp huyện có tăng nhưng không nhiều như Tờ trình (theo Tờ trình, số vụ việc của các tòa án tăng trung bình là 10%/năm. Tuy nhiên, theo các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC trình Quốc hội trong các năm gần đây thì số vụ việc tăng ít hơn).

Trong số lượng vụ án tăng đã bao gồm cả số lượng việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án mới được thực hiện. Đối với 5 TAND cấp huyện mới được thành lập, là các đơn vị được tách ra từ các TAND cấp huyện hiện hành cần điều chuyển số cán bộ hiện có để bảo đảm số định biên tối thiểu theo quy định. Vì vậy, trước mắt chỉ đề nghị bổ sung 243 thẩm phán sơ cấp là phù hợp. Sau khi có Đề án về vị trí việc làm theo yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị thì sẽ tiếp tục xem xét.

UBTP cũng tán thành với đề nghị của Chánh án TANDTC về việc điều chỉnh giảm số lượng thẩm phán cao cấp tại Tòa án quân sự trung ương xuống còn 15 thẩm phán (giảm 4 Thẩm phán so với hiện nay) và bổ sung 12 thẩm phán cao cấp tại các Tòa án quân sự cấp quân khu.

 
Thẩm phán mặc áo choàng đen dài tay khi xét xử?
 

Về trang phục xét xử của thẩm phán, bà Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến trong UBTP đồng ý với đề nghị của TANDTC bổ sung trang phục xét xử của thẩm phán là áo choàng dài tay, quy định rõ màu sắc chủ đạo là màu đen, có kèm theo một số họa tiết, nhưng không quá cầu kỳ để phân biệt trang phục xét xử của từng ngạch thẩm phán.

Mỗi ngạch thẩm phán có trang phục xét xử riêng (có thể chọn theo Bộ mẫu số 02) và cần có trang phục xét xử theo mùa (xuân- hè; thu - đông). Ngoài ra, loại ý kiến này cũng cho rằng không nên phân biệt trang phục xét xử riêng của Chánh án TANDTC, thẩm phán Tòa gia đình và người chưa thành niên với các thẩm phán khác.

Tuy vậy, người đứng đầu UBTP cũng nói rõ, một số ý kiến khác cho rằng việc quy định trang phục xét xử của thẩm phán phải phù hợp với thể trạng của người Việt Nam, điều kiện khí hậu, bản sắc văn hóa, tính dân tộc, tính năng sử dụng, sự gần gũi với công chúng, cũng như khả năng tài chính ngân sách hiện nay … Vì vậy, việc quy định thẩm phán mặc áo choàng dài tay làm trang phục xét xử là không phù hợp, nhất là điều kiện khí hậu nóng của đa số các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Hơn nữa, tại Điều 2 Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định: “Khi xét xử hoặc bào chữa, thẩm phán và luật sư không mặc áo chùng đen” và văn bản này chưa bị thay thế. Do vậy, loại ý kiến này đề nghị giữ nguyên trang phục như hiện hành.
Về trang phục của hội thẩm nhân dân, UBTP nhất trí về trang phục của hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử hoặc nghiên cứu hồ sơ tại tòa án là sử dụng trang phục quần âu, áo sơ mi trắng (xuân - hè) và bộ quần áo veston (thu - đông), áo sơ mi dài tay.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục