Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về việc xử lý số bùn thải của Formosa bị phát hiện có chất độc hại vượt ngưỡng, Thạc sĩ Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam, Hội đồng Trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (ảnh) cho rằng, đốt số bùn thải này chưa chắc đã là giải pháp tốt nhất.
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) mới đây đã công bố phát hiện cyanua và một số chất độc hại cao vượt ngưỡng trong số bùn được Công ty Formosa cho đem đi thải bỏ ở nhiều nơi. Ông có thể cho biết tính nguy hiểm của loại bùn thải này và giải pháp hạn chế các tác động xấu?
* Ông ĐỖ THANH BÁI: Bùn thải có rất nhiều loại khác nhau và do đó tính chất nguy hại của bùn cũng sẽ phụ thuộc vào nguồn gốc phát sinh bùn. Tôi chưa có dịp kiểm định thực tế, nhưng qua các hình ảnh trên truyền hình, qua báo chí và nghe mô tả thì bước đầu có thể thấy bùn thải có nhiều loại, có thể phát sinh từ các công đoạn sản xuất hay xử lý nước thải khác nhau, do đó nhiều khả năng chứa các thành phần nguy hại khác nhau, nhưng đã không được phân lập tốt nên rất có thể các loại bùn thải công nghiệp ít nguy hại đã được để chung hay trộn lẫn với bùn thải công nghiệp nguy hại có chứa cyanua, phenol, các chất hữu cơ và kim loại nặng nữa.
* Có thông tin là bùn thải này sẽ được xử lý bằng phương pháp đốt. Ông có ý kiến như thế nào về giải pháp này?
* Để lựa chọn công nghệ xử lý trước hết cần phải có thông tin đầy đủ về thành phần và khối lượng của chất thải đó. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, đốt không phải là lựa chọn an toàn cho môi trường, kể cả đốt trong lò đốt chuyên dụng, mặc dù có thể giảm thể tích bùn thải rất nhiều. Khi đốt chất thải, khả năng kiểm soát để các chất ô nhiễm không đi vào khí thải là rất khó, nhất là với kim loại nặng và đặc biệt là các kim loại dễ bay hơi như thủy ngân, asen, cadimi... Và như vậy chất ô nhiễm lại có nguy cơ lan truyền rộng hơn khi nằm trong bùn.
Do đó thông thường người ta áp dụng công nghệ hóa rắn và sau đó chôn lấp trong bãi chôn lấp an toàn (có thể ngăn ngừa tối đa khả năng phát tán chất ô nhiễm vào môi trường đất, nước và khí). Ở Việt Nam hiện nay cũng đã có nhiều nơi sử dụng công nghệ “đóng kén” để vừa xử lý, vừa lưu giữ lâu dài và an toàn một số loại chất thải rắn nguy hại, nhất là bùn thải mà hiện nay chưa có giải pháp công nghệ nào thích hợp (vừa kinh tế vừa an toàn) để quản lý chúng.
* Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng công nghệ đốt, ông có lưu ý gì?
* Vấn đề lựa chọn lò đốt, chế độ đốt và đặc biệt là hệ thống kiểm soát khí thải sau đốt là vô cùng quan trọng, nhất là với các loại bùn thải có chứa kim loại nặng dễ bay hơi và với một số chất hữu cơ có thể là tiền chất tạo ra dioxin/furan. Khi đó cơ quan quản lý môi trường phải kiểm tra chặt chẽ quá trình đốt bùn để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, nhất là với hệ thống xử lý khí thải. Tóm lại, tôi cho rằng chủ thải (Công ty Formosa) và công ty đủ tư cách pháp nhân và năng lực xử lý bùn thải nguy hại được Bộ TN-MT cấp phép sẽ phải tìm cách thu thập đủ thông tin và phân lập các loại bùn thải với các nguồn gốc và thành phần khác nhau, rồi từ đó mới tìm và lựa chọn giải pháp xử lý hợp lý cụ thể, chứ hiện nay chưa nên khẳng định là sẽ đem đốt.
* Được biết Formosa đang xúc tiến việc lắp hệ thống cảm biến để kiểm soát khí thải; như vậy đã có thể yên tâm chưa, thưa ông?
* Đó là giải pháp cần thiết, nhưng cần phải làm rõ là hệ thống quan trắc khí thải ấy (dù là tự động hay không tự động) là dùng để quan trắc cái gì và từ nguồn phát thải nào. Theo tôi, rất khó có hệ thống quan trắc tự động nào có thể quan trắc được tất cả mọi thông số ô nhiễm, nhất là những thông số liên quan đến những chất độc (hóa chất, khí thải) có tính độc cao đối với sức khỏe và môi trường. Thực tế, xét về phương diện kiểm soát (quản lý) ô nhiễm, quản lý chất thải rắn dễ hơn nhiều, vì dễ nhìn thấy, dễ thu gom và lưu giữ. Nếu có rò rỉ ra môi trường thì cũng chưa chắc đã phát tán đi xa. Nhưng nếu là nước thải thì mức độ và cự ly phát tán sẽ rộng hơn và xa hơn nhiều. Và nếu phát tán vào không khí thì mức độ còn cao hơn rất nhiều lần nữa. Đơn giản như như plastic, nếu chôn lấp thì khó phân hủy, nhưng vẫn nằm nguyên trong đất, có khi đến trăm năm, nhưng nếu đem đốt, nhất là đốt ở nhiệt độ thấp, rất có nguy cơ phát sinh khí thải có chứa dioxin/furan (giống như chất độc có trong chất độc da cam - rất độc hại. Mọi người cứ nghĩ đốt thì sạch; thực tế không hoàn toàn như thế, chỉ là chuyển sang một dạng ô nhiễm khác khó nhìn thấy hơn thôi.
* Quay trở lại với câu chuyện rác thải công nghiệp. Ông có nói phải biết rõ trong rác đó có những thành phần gì, hàm lượng ra sao mới có giải pháp xử lý đúng đắn được, nhưng việc công khai những thông tin như thế liệu có làm lộ bí mật công nghệ của doanh nghiệp hay không? Vì thế, doanh nghiệp có sẵn sàng minh bạch thông tin hay không?
* Đây thực sự là một bài toán khó. Trong kinh doanh, và nhất là cạnh tranh trên thị trường, bí mật thông tin và sự minh bạch thông tin là cần thiết tùy bối cảnh. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần làm rõ hơn khái niệm “thông tin”. Để đảm bảo mục tiêu an toàn cho cộng đồng và bảo vệ môi trường thì theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp vẫn phải công khai những thông tin liên quan đến môi trường và an toàn ở mức độ nào đó mà lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo, nhưng đủ để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường. Tuy nhiên câu chuyện chúng ta trao đổi ở đây chỉ giới hạn ở những vấn đề ô nhiễm môi trường và an toàn trong quá trình hoạt động bình thường của một dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Còn nếu nói về các sự cố, nhất là sự cố môi trường thì đấy lại là một câu chuyện dài khác.
* Cảm ơn ông!
Formosa Hà Tĩnh cố ý làm sai Liên quan đến vụ việc chôn lấp trái phép hàng trăm tấn chất bùn thải nguy hại của Formosa Hà Tĩnh (FHS) tại trang trại ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, phía Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng quản lý môi trường đô thị (MT-ĐT) Kỳ Anh cho rằng, việc đồng ý ký hợp đồng “Thu gom vận chuyển và xử lý bùn bánh của tổ xử lý nước thải công nghiệp FHS” là dựa vào văn bản 07/CCMT-KSON do Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT Hà Tĩnh) ký ngày 18-1-2016. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Đặng Bá Lục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT Hà Tĩnh) người trực tiếp ký văn bản 07/CCMT-KSON cho biết, FHS đã lợi dụng văn bản này và đã cố ý làm sai. Ông Lục cho rằng, tại văn bản số 07/CCMT-KSON, kết quả phân tích trong phiếu đã ghi rõ đối với mẫu lô hàng gửi đến vào thời điểm lấy mẫu nhưng FHS đã sử dụng văn bản đó như một căn cứ an toàn cho suốt thời gian thải liên tục là không được. Một lô hàng trước khi vận chuyển phải lấy mẫu phân tích và nếu chất thải nguy hại thì xử lý theo chất thải nguy hại, chất thải thông thường thì xử lý chất thải thông thường. Nhưng ở đây FHS và Công ty MT-ĐT Kỳ Anh lợi dụng văn bản đó làm căn cứ… DƯƠNG QUANG |
ANH PHƯƠNG