Đột phá phát triển kinh tế - xã hội

Đột phá phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2015, các địa phương trong vùng Tây Nam bộ đã tổ chức thành công đại hội đảng các cấp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được tăng cường, các vụ việc phức tạp, đột xuất được chủ động giải quyết có hiệu quả.

 Tăng trưởng mạnh

Kinh tế - xã hội vùng Tây Nam bộ tiếp tục phát triển và đạt được một số kết quả đáng khích lệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Sản lượng lúa thu hoạch 25,7 triệu tấn, thủy sản gần 3,9 triệu tấn, cây ăn trái tiếp tục phát triển cả về diện tích và sản lượng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 587.000 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 13,1 tỷ USD; nhập khẩu 5,96 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 693.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 258.600 tỷ đồng.

Cơ giới hóa nông nghiệp đã tạo ra bước phát triển mới về nông nghiệp nông thôn ở vựa lúa ĐBSCL. Ảnh: KIM HẢI

Lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, cơ sở giáo dục, trường lớp tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố và chuẩn hóa, trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chiếm 25,9%; các chương trình y tế được quan tâm triển khai, 91,4% trạm y tế có bác sĩ; 56,4% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế...

Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng Tây Nam bộ vẫn còn tồn tại những hạn chế cần có biện pháp khắc phục, đó là: tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; xuất khẩu hàng hóa còn nhiều khó khăn; thu hút đầu tư còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao; kinh tế phát triển thiếu bền vững, các mô hình liên kết chưa được nhân rộng, đời sống nhân dân còn khó khăn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng; lực lượng lao động dồi dào nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.

Cần bước đột phá

Để phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế nâng cao tốc độ tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 5 năm tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ yêu cầu tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Sớm ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, nghị quyết của Đảng bộ các tỉnh, thành phố, thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục chỉ đạo phát triển kinh tế, quy hoạch lại sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; đồng thời, nghiên cứu xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Nghiên cứu, xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy mô sản xuất lớn, hiện đại.

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: giao thông thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vùng thực hiện các dự án trọng điểm phục vụ nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện “Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2015 - 2020” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án thí điểm, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL”; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế. Năm 2016 và những năm tiếp theo sẽ triển khai thực hiện thí điểm “Quy chế thí điểm phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2015-2020” và thực hiện các lĩnh vực đột phá để phát triển vùng.

Triển khai thực hiện tốt chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vùng ĐBSCL; xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tác động từ thượng nguồn sông Mê Công. Đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định về phát triển giáo dục - đào tạo nghề vùng ĐBSCL giai đoạn  2016 -2020. Tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 1748/QĐ-TTg ngày 29-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án tổng thể đối với người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam”. Tổ chức bình xét, phê duyệt danh sách hộ nghèo theo chuẩn nghèo (ban hành kèm theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời, nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp, bền vững cho hộ nghèo. Phấn đấu đến năm 2020 toàn vùng có trên 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tiếp tục chăm lo đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, gia đình chính sách trong dịp lễ, tết. Tổ chức thành công các hoạt động MDEC năm 2016 tại tỉnh Hậu Giang.

NGUYỄN PHONG QUANG
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ

Tin cùng chuyên mục