Dự án bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám - Những câu hỏi chưa được giải đáp

Ngày 29-2, UBMTTQ TPHCM tổ chức hội nghị góp ý dự án “Xây dựng, khai thác tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại công viên Lê Văn Tám” (quận 1 TPHCM). Hầu hết đại biểu cho rằng, chủ trương khai thác tầng ngầm để làm bãi đậu xe là hoàn toàn đúng đắn và cần phải làm nhanh trong điều kiện thành phố đang khan hiếm chỗ để xe. Tuy nhiên, không ít đại biểu bày tỏ sự băn khoăn…

Vị trí và xử lý môi trường, liệu có ổn?

Nỗi băn khoăn lớn nhất của hầu hết đại biểu tham dự hội nghị này chính là việc TP chọn công viên Lê Văn Tám để xây dựng bãi đậu xe ngầm. Công viên Lê Văn Tám được bao bọc bởi các trục đường cửa ngõ của TP, có mật độ giao thông rất cao, gồm: Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng mà theo phương án chủ đầu tư trình bày, ngoài các bãi đậu xe, sẽ có đến 30% diện tích tầng ngầm được dùng vào việc kinh doanh dịch vụ công cộng, như vậy, lượng xe và người vào – ra thường xuyên tại khu vực này sẽ rất lớn.

Như thế, việc xây dựng bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám liệu có gây cản trở giao thông cho những tuyến đường nói trên? Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, lưu ý: Việc hình thành bãi đậu xe nơi đây không đơn thuần chỉ là việc “lật mặt đất” lên để xây dựng mà TP cần tính toán đến việc mở rộng các tuyến đường xung quanh công viên để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông có khả năng xảy ra.

Ngoài ra, rất nhiều đại biểu cùng đặt vấn đề: Trong khi khu vực trung tâm TP đang khan hiếm về chỗ để xe nhưng TP lại không ưu tiên đầu tư trước mà lại đầu tư bãi đậu xe có quy mô lớn, hiện đại tại công viên Lê Văn Tám - nơi cách xa khu trung tâm, điểm vui chơi, mua sắm - liệu có khả thi? Việc xây dựng bãi đậu xe tại khu vực này sẽ phục vụ cho đối tượng nào?

Lãnh đạo TP và chủ đầu tư cần tính toán kỹ các vấn đề này vì không khéo công trình này sẽ lãng phí như chợ Văn Thánh, xây xong mà không có ai vào bán. Nên chăng, TP xây dựng nhiều bãi đậu xe nhỏ tại nhiều vị trí khác tiện lợi hơn cho dân?

Không chỉ trăn trở về vị trí xây dựng công trình, nhiều ý kiến còn đề cập đến vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện dự án. Theo một cán bộ Sở TN-MT, khu vực công viên Lê Văn Tám được xây dựng tại nơi trước là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Vậy chủ đầu tư sẽ giải quyết vấn đề môi trường tại tầng ngầm như thế nào? Đặc biệt, lượng đất đào lên để làm tầng ngầm sẽ đổ đi đâu? Sở Y tế bày tỏ mối lo ngại về vấn đề vệ sinh của số đất này.

Ngoài ra, do thời gian qua tại TPHCM liên tục xảy ra sự cố từ những công trình ngầm nên ông Phạm Văn Hải (đại biểu HĐND TPHCM) đề nghị: Chủ đầu tư phải cho biết kết quả khảo sát địa chất tại công trình này như thế nào và những dự báo về việc bị ảnh hưởng ra sao trong quá trình triển khai thi công để người dân trong khu vực yên tâm.

Nhiều ý kiến khác thắc mắc về việc nếu dự án này chỉ đầu tư xây dựng làm bãi đậu xe và không dành cho kinh doanh dịch vụ có được không, cây xanh trồng trên tầng ngầm sẽ mọc ra sao…

Cần những câu trả lời của lãnh đạo thành phố!

Trước hàng loạt vấn đề các đại biểu đặt ra, ông Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Không Gian Ngầm, giải trình: Công viên Lê Văn Tám chỉ là một trong 8 vị trí được TP quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm. Chủ đầu tư đã thuê đơn vị chức năng khảo sát địa chất trong khu vực và quanh khu vực đầu tư dự án đến 3 lần làm cơ sở để thiết kế dự án.

Còn giải pháp di dời cây xanh và trồng lại cây xanh của công ty cũng đã được các cơ quan chức năng xem xét và cho ý kiến là tối ưu trong điều kiện thực tế hiện nay. “Riêng về ý kiến chỉ xây dựng công trình giữ xe mà không có diện tích kinh doanh dịch vụ, chúng tôi đã tính toán rất kỹ. Với mức thu phí giữ xe ở Việt Nam khá thấp, nếu không khai thác thêm phần dịch vụ thì có thu phí cả 100 năm chủ đầu tư cũng không lấy lại vốn” - ông Tuấn nói.

Bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám là dự án xây dựng có quy mô lớn, hiện đại và có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện TP đang rất nan giải về chỗ đậu xe; mặt khác, trong số 8 dự án, đây là dự án “gần về đến đích” sau hơn 10 năm bắt tay thực hiện, thế nhưng, rất nhiều câu hỏi đặt ra đối với chính quyền TP xung quanh dự án này lại chưa được trả lời.

“Theo quy định, những dự án nào có ảnh hưởng đến dân như thế này thì UBND TP phải gửi dự thảo trước cho UBMTTQ góp ý. Đằng này, dự án thực hiện gần xong thủ tục, lãnh đạo UBND TP mới đề nghị chúng tôi tổ chức lấy ý kiến đóng góp. Đến giai đoạn này, các ý kiến được đưa ra, nếu đúng, liệu có được hoặc có kịp chỉnh sửa, tiếp thu?” - ông Lê Hiếu Đằng thắc mắc. 

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục