Sau khi đi giám sát Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Tân Rai ở Lâm Đồng, sáng 7-11, đoàn công tác của Quốc hội do GS-TSKH Đặng Vũ Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam dẫn đầu đã giám sát tình hình thực hiện dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (ở xã Nhân Cơ, huyện Đắc R’lấp, Đắc Nông).
Chịu được động đất cấp 7?
Sau khi đi thực tế hiện trường, kiểm tra tiến độ thực hiện công trình và hồ chứa bùn đỏ của nhà máy, đoàn giám sát đã làm việc với Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV).
Báo cáo với đoàn, Đại tá Bùi Quang Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Alumin Nhân Cơ, cho biết, hiện nay nhà thầu EPC đang xây dựng khu nhà tạm phục vụ cho lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy và khu nhà tạm phục vụ cho công tác quản lý. Đã hoàn thành xong toàn bộ công tác khoan, lắp đặt thiết bị và đưa vào sử dụng 6 giếng nước sinh hoạt.
Đến nay, công tác khoan thăm dò địa chất đã hoàn tất và căn cứ kết quả đó, CHALIECO đã lập xong thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ. Nhà thầu EPC cũng đang thi công khoan cọc nhồi cho các hạng mục công trình trên mặt bằng nhà máy alumin. Công ty hiện đang tổ chức xét thầu gói thầu EPC nhà máy tuyển quặng bauxite và tuyến băng tải vận tải quặng tinh. Đồng thời, công ty đã tổ chức thi công san nền và tận thu quặng bauxite trên mặt bằng nhà máy với giá trị hơn 11,2 tỷ đồng.
Về các giải pháp bảo vệ môi trường, Công ty CP Alumin Nhân Cơ cho biết, công tác khai thác bauxite ở đây được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu (mỗi năm khai thác khoảng 50-60ha) và khai thác đến đâu hoàn thổ đến đấy. Bãi thải bùn sau tuyển rửa của nhà máy tuyển quặng sử dụng các thung lũng và một số khu vực đã kết thúc khai thác.
Hồ chứa bùn đỏ nhà máy alumin được thiết kế và xây dựng theo công nghệ, tiêu chuẩn của các nước công nghiệp tiên tiến. Hồ có diện tích 180ha, được chia thành 6 khoang chứa, mỗi khoang có thời gian sử dụng từ 3 - 9 năm. Giải pháp chống thấm cho hồ gồm 3 lớp: lớp thoát nước, lớp chống thấm và lớp đệm. Trong đó, lớp chống thấm được sử dụng màng polyetylen mật độ cao dày 2mm. Đập hồ bùn đỏ được thiết kế chịu được động đất đến cấp 7 (theo các nhà địa chất dự báo, cấp động đất khu vực này là cấp 5).
Quan tâm giám sát môi trường
Hai vấn đề được dư luận cũng như đoàn giám sát quan tâm là hiệu quả kinh tế và tác động môi trường của Dự án bauxite Tây Nguyên. GS - TSKH Đặng Vũ Minh thay mặt đoàn công tác chất vấn đại diện Bộ Công thương, lãnh đạo TKV các vấn đề về độ thấm vào nguồn nước ngầm của bùn đỏ, cấp độ động đất của khu vực xây dựng hồ chứa bùn đỏ, chân đập hồ chứa bùn đỏ, khả năng xảy ra lũ quét, hiệu quả kinh tế việc xây dựng nhà máy sản xuất alumin, số lượng người dân phải di dời, chi phí xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển alumin…
Về hiệu quả kinh tế, ông Nguyễn Chí Quang, Phó Trưởng ban Nhôm - Titan TKV, cho rằng, trong khoảng 10 năm tới, việc khai thác bauxite và sản xuất alumin ở Tây Nguyên chắc chắn sẽ có lãi. Theo ông Quang, vì trong 10 năm tới các thị trường Trung Quốc, Trung Đông và các nước SNG thiếu khoảng 10 - 35 triệu tấn alumin. Trong khi đó, giá alumin trên thị trường thế giới đang tăng tách biệt khỏi giá nhôm và 10 năm nữa sẽ tăng lên mức 650USD/tấn (?).
Còn về hiện tượng động đất và lũ quét ở khu vực khai thác bauxite, TS. Nguyễn Chiến, Giám đốc Viện Kỹ thuật công trình- Đại học Thủy lợi (Đơn vị được thuê để thẩm định dự án hồ chứa bùn đỏ) khẳng định: Đập nếu làm đúng thiết kế thì chúng ta có thể yên tâm. Ông lưu ý, chủ đầu tư phải chú ý giám sát chất lượng, nếu không đảm bảo thì làm lại, không nghiệm thu. Khu vực xây dựng hồ chứa bùn đỏ tại Nhân Cơ có địa hình tương đối bằng phẳng nên có thể kiểm soát được lũ quét, chịu được động đất cấp 7. Tầng đá bazan bền vững phía dưới cùng với các lớp chống thấm nhân tạo sẽ đảm bảo nguồn nước ngầm không bị ô nhiễm.
Kết thúc buổi làm việc, GS - TSKH Đặng Vũ Minh cho rằng: Đối với những vấn đề còn tồn tại của dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, cách tốt nhất là tổ chức để các chuyên gia của TKV gặp gỡ, trao đổi ý kiến và thảo luận với các chuyên gia của các bộ, ngành khác. Trong thời gian tới, Bộ Công thương và TKV cần tiếp tục cung cấp đầy đủ mọi thông tin về dự án cho các chuyên gia, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chuyên gia khảo sát, thực địa tại các dự án.
Bên cạnh việc tìm ra các giải pháp để khai thác hiệu quả các dự án bauxite, TKV và các bộ ngành liên quan cần phải đặc biệt quan tâm giám sát về kỹ thuật, giám sát tác động môi trường dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Còn ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đề nghị TKV cần phải xây dựng xong các khoang chứa bùn đỏ mới đi vào sản xuất.
Công Hoan