(SGGPO).- Ngày 28-10, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM cùng các sở, ngành liên quan đã giám sát tiến độ thực hiện dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương- Bến Cát- rạch Nước Lên tại quận Bình Tân, TPHCM.
Phó Chủ tich UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu cho biết, dự án này có chiều dài 33km, đi qua 7 quận 12, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh, do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình thuộc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TPHCM làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm 2 giai đoạn thi công, trong đó giai đoạn 1 là nạo vét tuyến trục Vàm Thuật - Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên để giải quyết ngập úng và cải thiện môi trường cho khu vực gần 15.000 ha. Giai đoạn 2, sẽ xây dựng cống điều tiết, cải tạo cửa xả, xây dựng cầu giao thông; xây dựng hệ thống thoát nước mưa .Tuyến đường giao thông và công trình kỹ thuật hai bên bờ có tổng chiều dài 61.900m, kết cấu bê tông nhựa, có công viên cây xanh dọc theo tuyến kênh.
Riêng phần dự án đi qua quận Bình Tân có chiều dài 16/33 km toàn dự án, qua 8/10 phường của quận Bình Tân, có 2.267 hộ dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đến nay đã đền bù 1.992 hộ (đạt 87,80%) hiện còn 275 hộ thuộc các phường Bình Trị Đông A, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa vì các hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường. Trong đó, có 183 hộ có nhà, đất bị giải tỏa toàn bộ, 4 hộ xây nhà tạm sau thời điểm điều tra hiện trạng (chỉ bồi thường đất nông nghiệp), 19 hộ giải tỏa một phần và 6 doanh nghiệp trong KCN Tân Tạo. Quận Bình Tân kiến nghị hội đồng thẩm định bồi thường TPHCM trình UBND TP xem xét, chấp thuận điều chỉnh 102 căn hộ bố trí tái định cư ở tầng 4 và 5 xuống 20 căn tầng trệt và 82 căn tầng 1 tại Khu dân cư Vĩnh Lộc. Sớm hướng dẫn xác định diện tích bồi thường, hỗ trợ 4 doanh nghiệp trong KCN Tân Tạo theo kiến nghị của quận.
Tại buổi giám sát, các đại biểu cho rằng, vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, chính là khúc mắc chính dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án cải tạo kênh Tham Lương hơn 10 năm nay. Trong các hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng chủ yếu ở quận Bình Tân. Sở dĩ, những hộ chưa chịu di dời vì trước đây họ đã mua nhà đất có nguồn gốc lấn chiếm kênh rạch hoặc xây dựng không phép, họ không chịu dời đi vì số tiền hỗ trợ quá thấp, không đủ để họ mua đất chỗ khác cất nhà, ổn định cuộc sống. Vì vậy, cần có giải pháp và cơ chế trong vấn đề giải phóng mặt bằng, TPHCM cần thành lập tổ công tác để làm việc với quận để giải quyết. Tổ công tác kiểm tra khó chỗ nào kiến nghị TP xử lý ngay, nếu vẫn theo cách làm hiện nay thì không ổn sẽ dẫn đến kéo dài dây dưa.
Quốc Hùng