Dù là dự án mang tính cấp bách nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, nhưng sau gần 2 năm có quyết định phê duyệt đầu tư dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.4 thuộc phường 27, quận Bình Thạnh, TPHCM nhưng đến nay công trình vẫn chưa được triển khai.
Còn 58 hộ chưa bàn giao mặt bằng
Theo báo cáo tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng dự án của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, tính đến giữa tháng 5-2012, đã có 75 hộ chấp hành di dời, bàn giao mặt bằng, còn 58 hộ chưa chấp hành.
Ông Trần Minh Thơ, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng cho biết: “Về chủ trương đầu tư thực hiện dự án người dân hoàn toàn ủng hộ, nhưng hiện nay có một số người dân không chấp nhận với phương án bồi thường, giải tỏa và hỗ trợ tái định cư nên công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn chưa thể bàn giao mặt bằng cho Khu Quản lý đường thủy nội địa triển khai khởi công dự án. Hiện nay khi bờ kênh Thanh Đa đoạn 1.3 đã hoàn thành phần thi công bờ kè nên trong mùa mưa lũ kết hợp triều cường sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây xói mòn cục bộ dọc bờ kênh, tạo ra hiện tượng hàm ếch dẫn đến khả năng sạt lở bất cứ lúc nào gây nguy hiểm tính mạng và tài sản của người dân”.
Theo tìm hiểu, sở dĩ người dân chưa chấp hành bàn giao mặt bằng do mức bồi thường, hỗ trợ giữa các hộ khác nhau. Về vấn đề này ông Thơ cho rằng: Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư địa phương đã dựa vào quy định của pháp luật. Hiện tại ngoài Luật Đất đai 2003, còn có Nghị định 197, 84, 69 và ở TPHCM là Quyết định 35. Còn việc giải quyết bồi thường hỗ trợ tái định cư từng trường hợp là căn cứ vào pháp lý sử dụng nhà đất của từng hộ qua thẩm tra xác minh của các cơ quan chức năng như UBND phường 27, phòng Tài Nguyên và Môi trường. Qua thẩm tra xác minh, nếu đất đó không phải đất do cơ quan nhà nước đăng ký, người dân sử dụng ổn định, đủ điều kiện cấp giấy, đủ điều kiện bồi thường, nhà nước sẽ bồi thường.
Trường hợp bồi thường có nhiều mức: Bồi thường 100% không trừ nghĩa vụ tài chính và bồi thường 100% có trừ nghĩa vụ tài chính. Có những trường hợp do pháp lý sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm (nghĩa là họ nhận chuyển lại của người lấn chiếm đất, chuyển nhượng bằng giấy tay - NV), trong lĩnh vực bồi thường do không đủ điều kiện để được bồi thường nên chỉ được hỗ trợ. Mức hỗ trợ TP đã quy định tùy theo thời điểm sử dụng đất. Trước 1993, 30%, sau 1993, 20%, có những trường hợp không được hỗ trợ.
Để xác minh pháp lý sử dụng đất, trong các nghị định như Nghị định 84 quy định việc xác định thời điểm đất ổn định căn cứ vào ngày tháng năm sử dụng, mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các loại giấy tờ như: Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra đo đạc đất đai qua các thời kỳ. Như vậy, trên địa bàn TPHCM và quận Bình Thạnh, có tài liệu kê khai đăng ký sử dụng đất theo Chỉ thị 299 của Chính phủ. Do đó, quận Bình Thạnh sẽ đối chiếu với điều này để xác minh nguồn gốc đất sử dụng. “Với kiến nghị của người dân, chúng tôi sẽ xem xét có chính đáng và đặc biệt là có hợp pháp hay không. Nếu những yêu cầu của người dân chính đáng và hợp pháp thì giải quyết được, còn không đúng và không chính đáng thì không giải quyết được” - ông Thơ nhấn mạnh.
Sẽ khởi công dự án trong năm nay
Liên quan đến tiến độ giải phóng mặt bằng dự án, ngày 17-5, UBND quận Bình Thạnh đã có văn bản gửi UBND TPHCM báo cáo về pháp lý, tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng của dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.4. Theo đó, để sớm hoàn thành toàn bộ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án trong quý 3-2012 và bàn giao mặt bằng cho Khu Quản lý Đường thủy nội địa thi công, UBND quận Bình Thạnh tiếp tục tổ chức tiếp xúc với số hộ còn lại để giải quyết khiếu nại theo đúng quy định pháp luật; qua đó tiếp tục vận động để hộ dân đồng thuận chấp hành di dời, bàn giao mặt bằng, hạn chế đến mức thấp nhất việc buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất.
Nếu sau khi thực hiện đầy đủ các bước trên vẫn còn hộ dân không đồng thuận, không chấp hành việc bàn giao mặt bằng thì UBND quận Bình Thạnh buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, UBND quận Bình Thạnh kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với số hộ còn lại, để hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của dự án.
Trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Khu Quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT TPHCM) cho biết: Hiện nay nguồn vốn thực hiện dự án đã được UBND TP ghi và khu đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ thủ tục để triển khai khởi công trong năm nay. Do đây là dự án mang tính cấp bách nên theo chỉ đạo của Sở GTVT, có mặt bằng tới đâu làm tới đó, trước mắt xây dựng phần kè bảo vệ trước, sau đó mới chỉnh trang hoàn thiện.
Đình Lý