Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội: Nhiều kỳ vọng

Dự án PA L787
Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội: Nhiều kỳ vọng

Cuộc thi thiết kế kiến trúc Nhà Quốc hội thu hút được 17 phương án (PA) tham gia. Dự án PA L787 được Hội đồng tuyển chọn trao giải A và 4 PA khác được giải khuyến khích. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đánh giá trái chiều về các PA này và cả những đề nghị khác về vị trí của Nhà Quốc hội. Được sự ủy quyền của bà Nguyễn Thị Duyên - Giám đốc BQLDA, Ths. Đỗ Thiều Quang - Trưởng phòng Kỹ thuật, đã trả lời phỏng vấn của Tuần san SGGP Thứ Bảy xung quanh cuộc thi này.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội: Nhiều kỳ vọng ảnh 1

Ths. Đỗ Thiều Quang.

- Nhà Quốc hội là một trong những công trình trọng điểm của quốc gia có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, đặc biệt là ý nghĩa chính trị và lịch sử. Nhiều người tỏ ý tiếc khi việc trưng bày và lấy ý kiến của nhân dân chỉ được tổ chức ở Hà Nội và trong thời gian vẻn vẹn 2 tuần. Vì sao không tổ chức lấy ý kiến trên các phương tiện truyền thông khác, chẳng hạn Internet và tại một số tỉnh, thành khác nữa?

- Theo tôi, 2 tuần là thời gian đủ dài để có thể nhận được các ý kiến góp ý. Rút kinh nghiệm từ cuộc thi thiết kế Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) năm 2003, lần này Ban tổ chức quyết định chỉ tổ chức triển lãm ở Hà Nội. Ngoài ra, trên website của báo Xây dựng (www.baoxaydung.com.vn) đã đăng tải các PA để bạn đọc có thể lựa chọn thông qua Internet.

Việc bình chọn các PA thiết kế trên Internet có ưu điểm là được thông tin rộng rãi trên phương diện địa lý, song nó cũng có một số nhược điểm nhất định ảnh hưởng tới kết quả bình chọn, ví dụ: khó đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin để bạn đọc bình chọn vì khối lượng hồ sơ của mỗi PA rất nhiều; người đọc trên mạng không được quan sát toàn diện và đầy đủ các PA; không xác định được thực tế số lượng người bình chọn (một người có thể bỏ phiếu nhiều lần).

- Vì sao thiết kế một công trình lớn mang tính chất quốc gia lại không mời các kiến trúc sư nước ngoài có tên tuổi và kinh nghiệm tham gia?

- Cuộc thi tuyển thiết kế Nhà Quốc hội tổ chức theo 2 hình thức: rộng rãi và hạn chế. Nếu theo hình thức hạn chế, nghĩa là mời đích danh kiến trúc sư, thì không có cơ hội cho các kiến trúc sư trong nước và nước ngoài khác tham dự và như vậy khó có được sự đa dạng, sáng tạo trong ý tưởng đề xuất. Chúng tôi đã thông tin về việc thi tuyển rộng rãi từ trung tuần tháng 4-2007 trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng tiếng Anh và tiếng Việt. 25 tổ chức tư vấn đã đăng ký, trong đó có 12 tổ chức tư vấn nước ngoài.

Cuộc trưng bày 17 PA tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (TTHNQG, Hà Nội) từ 2-9 đến 15-9 thu hút hơn 11.000 lượt người tham quan. Ban QLDA ĐTXD Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới (BQL) đã tiếp thu hàng ngàn ý kiến của người xem, cùng với ý kiến nhận xét và góp ý của Hội đồng tuyển chọn, giới chuyên môn và các cơ quan, ban ngành có liên quan ở TW và thành phố Hà Nội để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ.

- Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, 17 PA, kể cả PA được giải A, còn thiếu bản sắc dân tộc và yếu tố hình tượng. Anh nghĩ gì về ý kiến này?

- Tính dân tộc như kiến trúc đình, chùa mà đưa vào các công trình có yêu cầu không gian lớn liệu có phù hợp? Và liệu có quá khiên cưỡng khi bắt buộc một công trình kiến trúc phải mang một hình tượng nào đó (trống đồng, bánh chưng, bánh dày ...) thì mới gọi là có bản sắc dân tộc? Cá nhân tôi nghĩ rằng, bàn luận thì dễ nhưng thực hiện được rất khó. Ngoài ý nghĩa thực tiễn, công trình kiến trúc còn phải có tính định hướng thẩm mỹ nên những ý tưởng mới mẻ và táo bạo cần được khuyến khích.

- Nếu PA L787 được lựa chọn chính thức, chắc chắn cần phải nâng cấp?

- Về quy hoạch, L787 nhận được sự đồng thuận cao. Những ý kiến góp ý tập trung chủ yếu về mảng, khối, yếu tố dân tộc hay vị trí lối ra, vào... Khi có ý kiến chính thức của Chính phủ và Quốc hội, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với cơ quan tư vấn thiết kế để họ tiếp thu các nội dung góp ý này. Việc nâng cấp cần rất nhiều thời gian nhưng tôi tin, chúng ta có những kiến trúc sư giỏi để cùng với nhóm tác giả L787 đi đến thống nhất trên cơ sở trao đổi rõ ràng về học thuật. Và nhóm tác giả chắc cũng nhận ra những điểm hợp lý để nâng cấp PA.

- Có ý kiến cho rằng, bất kỳ PA nào xây dựng tại địa điểm Hội trường Ba Đình đều phá vỡ cảnh quan Quảng trường Ba Đình. Hơn nữa, phá vỡ Hội trường Ba Đình là xóa bỏ một chứng tích lịch sử đầy ý nghĩa, điều này dư luận rất khó đồng tình?

- PA L787 được Hội đồng tuyển chọn, giới kiến trúc đánh giá là hài hòa với cảnh quan xung quanh, không tạo mâu thuẫn lớn với không gian kiến trúc khu vực Ba Đình. Nhìn chung, mỗi công trình đều mang giá trị lịch sử và có ý nghĩa thực tiễn nhất định. Sẽ có mô hình Hội trường Ba Đình đặt trong Nhà Quốc hội, như vậy vẫn lưu giữ được hình ảnh của lịch sử.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội: Nhiều kỳ vọng ảnh 2

Mô hình dự án PA L787.

- Khi đào móng công trình tại Hội trường Ba Đình, liền kề với Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nếu phát lộ những di tích khảo cổ nữa thì sao?

- Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khoá XI tại kỳ họp thứ 11, được Quốc hội thống nhất tại Nghị Quyết 77/2007/NQ-QH11 ngày 2-4-2007, nêu rõ: “Nếu có phát lộ các di tích khảo cổ trong quá trình triển khai xây dựng Nhà Quốc hội sẽ được lựa chọn để đưa vào bảo tàng”. Sau khi tháo dỡ Hội trường Ba Đình, khuôn viên Hội trường Ba Đình sẽ được tiến hành khảo cổ và dự kiến kết thúc vào tháng 3-2008.

- Còn việc tìm địa điểm khác để xây dựng công trình?

- Lúc này, vấn đề địa điểm đã là câu chuyện cũ. Quốc hội đã có Nghị quyết 77/2007/NQ-QH11 đồng ý việc xây dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình và Bộ Xây dựng được giao làm chủ đầu tư.

- Việc thi công công trình sau này có mời các nhà thầu nước ngoài?

- Theo kinh nghiệm của chúng tôi, việc triển khai cụ thể còn phụ thuộc đồ án thiết kế. Nếu công trình sử dụng công nghệ và thiết bị mà nhà thầu VN đã quen thuộc thì liệu có cần nhà thầu nước ngoài nữa không?   

- Đảm nhận dự án quy mô lớn và chịu nhiều áp lực như vậy, chắc các anh có không ít băn khoăn?

- Chúng tôi xác định rõ, đây là một dự án rất phức tạp. Bản thân công trình yêu cầu cao về kỹ, mỹ thuật cũng như trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, khu vực Ba Đình còn là trung tâm chính trị và điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đặc biệt nên triển khai thi công phải đảm bảo chất lượng, tiến độ, không ảnh hưởng đến xung quanh, đảm bảo công tác bảo tồn di tích… Việc lựa chọn PA thiết kế xây dựng cũng rất khó khăn và không dễ hoàn thành trọn vẹn.

Quốc hội cũng như các tầng lớp nhân dân đặt nhiều kỳ vọng, yêu cầu công trình phải tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước. Nhiệm vụ của chúng tôi là vừa hoàn thành tiến độ, vừa đáp ứng đầy đủ các nguyện vọng. Do vậy, chúng tôi cần nỗ lực rất lớn và mong nhận được sự ủng hộ của nhân dân và các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện dự án này. Trong điều kiện thuận lợi, dự kiến công trình sẽ được khởi công vào đầu quý 3-2008.

- Xin cảm ơn anh và chúc dự án thành công!

Dự án PA L787

Tổng diện tích sàn xây dựng hơn 45.000m2, trong đó sàn từ tầng 1 đến tầng 5 cao gần 34.500m2, tầng hầm hơn 10.000m2, mật độ xây dựng 32%. Phòng họp Quốc hội đặt trên 8 tấm tường bao quanh sảnh chính với 8 cột đỡ. Phòng khánh tiết ở tầng 1, kết nối với công viên bảo tàng cũng như các phòng họp, văn phòng của toàn bộ công trình. Thư viện và phòng báo chí được bố trí ở hai tầng dưới của công trình phía Tây- Nam, hai lối vào bên sườn. Ánh sáng tự nhiên được đưa vào bên trong toàn bộ các khu vực phức hợp. Vật liệu chủ đạo của công trình là đá nhân tạo màu sáng và kính ở khu vực bên ngoài, bổ sung gỗ trong phần nội thất…

HOÀNG GIANG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục