Thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, các lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam rất lớn nhưng không thể tính toán vào nguồn thu và hiệu quả tài chính dự án. Tuy không thể hoàn vốn riêng của dự án nhưng có thể hoàn vốn từ sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV cũng cho rằng, chúng ta phải xác định điều quan trọng nhất của dự án này là tác động không chỉ tới 20 địa phương có tuyến chạy qua mà còn là cả nền kinh tế.
Với quy mô dự án trên 67 tỷ USD, các chuyên gia đang rất kỳ vọng về việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, thị trường về xây dựng có thể đạt khoảng 75,6 tỷ USD, thị trường phương tiện và thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD và hàng triệu việc làm.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, với quy mô thị trường nêu trên, Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm chủ công nghiệp xây dựng; từng bước làm chủ và nội địa hóa về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện động lực, hệ thống thông tin - tín hiệu; tự chủ toàn bộ công tác vận hành, duy tu, bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế cho đường sắt tốc độ cao. Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong phát triển đường sắt tốc độ cao, chương trình phát triển quốc gia về nguồn nhân lực, công nghiệp đường sắt cần được xây dựng, triển khai sớm để sẵn sàng cho việc đầu tư, phát triển.
Ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT, cho biết, dự án này cần nguồn lao động khổng lồ. Dự kiến, nhân lực phục vụ cho công tác xây dựng khoảng 180.000 người, phục vụ công tác vận hành và khai thác khoảng 13.880 người, nhân lực làm việc trong các cơ quan quản lý khoảng 700 người và khoảng 1.200 kỹ sư tư vấn. Chưa kể hàng triệu lao động sẽ làm việc cho ngành công nghiệp phụ trợ và phát triển đô thị dọc tuyến. Hiện dự án đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo 3 loại hình: đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước và 4 cấp trình độ từ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ. Nguồn nhân lực này sẽ phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu.
Phát triển nền kinh tế carbon thấp
Một trong những ưu điểm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao là đáp ứng mục tiêu phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, về mục tiêu an toàn, số liệu tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra ở Việt Nam hàng năm khoảng 2,9% GDP cả nước. Khi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được vận hành sẽ tiết kiệm chi phí thiệt hại do giảm tai nạn giao thông khoảng 849 triệu USD vào năm 2040, khoảng 1,9 tỷ USD vào năm 2050.
Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao được coi là phương thức vận tải xanh, giải pháp hữu hiệu để thực hiện các cam kết của Việt Nam đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Đường sắt thế giới, chi phí tác động của đường sắt tốc độ cao thấp hơn so với các phương thức khác. Cụ thể, mức phát thải CO2 thấp hơn máy bay 8,5 lần, thấp hơn ô tô 3,7 lần; chi phí giảm lượng phát thải CO2 sẽ tiết kiệm khoảng 67 triệu USD vào năm 2040, khoảng 172 triệu USD vào năm 2050.
Loại hình này còn tiết kiệm tài nguyên đáng kể khi diện tích mặt đất chiếm dụng chỉ bằng 1/3 so với đường bộ. Để vận chuyển khoảng 15.000 - 16.000 hành khách/giờ, trong khi tuyến đường bộ cần có bề rộng chiếm đất khoảng 75m thì tuyến đường sắt tốc độ cao chỉ cần khoảng 25m. Đồng thời, tuyến đường sắt tốc độ cao phần lớn sử dụng kết cấu cầu, hầm (khoảng 70% chiều dài tuyến) góp phần hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế chia cắt cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định, tuyến đường sắt tốc độ cao sử dụng năng lượng điện là một trong các giải pháp tối ưu chuyển đổi phương thức vận tải. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang ưu tiên phát triển nền kinh tế carbon thấp, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26 (Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu).
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị tiếp nhận quản lý, vận hành và khai thác kết cấu hạ tầng toàn tuyến đường sắt tốc độ cao, được giao toàn bộ phương tiện, thiết bị để khai thác và chịu trách nhiệm trả nợ chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị. Theo kế hoạch, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thành lập 2 doanh nghiệp để quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng và điều hành vận tải; tiếp nhận phương tiện đầu tư từ dự án để kinh doanh vận tải.