Thành phố đã và đang triển khai xây dựng hệ thống cống, cống ngăn triều, nạo vét kênh rạch, do nguồn kinh phí quá lớn nên khó có thể thực hiện được trong vài ba năm. Giải pháp nhanh nhất hiện nay nhằm giảm ngập và ngăn chặn những điểm ngập mới phát sinh là xây dựng hồ điều tiết.
Thực hiện quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng khu vực TP của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM đang triển khai đồ án quy hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết với tổng diện tích khoảng 875ha. Trong đó, Trung tâm Chống ngập nước ưu tiên triển khai trước các hồ điều tiết tập trung tại khu vực Gò Dưa, Khánh Hội, Bàu Cát (thượng lưu lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm). Trung tâm Chống ngập nước đưa ra nhiều phương án thi công hồ điều tiết tại công viên Bàu Cát; dự kiến chiều dài của hồ khoảng 125m, rộng 32m, sâu 2,5m, có khả năng trữ 10.000m³ nước mưa. Hồ có chức năng giúp giảm ngập khi mưa vượt tần suất thiết kế cống hiện hữu gần 76mm trong vòng ba giờ cho một lưu vực khoảng 20ha xung quanh khu vực Bàu Cát. Đây là dự án thí điểm hồ điều tiết ngầm đầu tiên của TP, nếu thành công sẽ nhân rộng. Tuy nhiên, những thông số này chỉ mới một chiều từ phía đơn vị tư vấn do Trung tâm Chống ngập nước thuê thực hiện, chưa có cơ quan nào thẩm định tính hiệu quả của dự án.
Dự án công viên hồ điều tiết Khánh Hội rộng 17,6ha, trong đó diện tích hồ điều tiết khoảng 4,8ha. Với chiều sâu 4m, khi hoàn thành hồ này có thể chứa được từ 130.000m³ - 192.000m³ nước. Hồ còn có hệ thống thu gom nước từ các khu dân cư xung quanh, có cống thông với kênh Bến Nghé để điều tiết nước. Dự án hồ điều tiết Khánh Hội do UBND quận 4 làm chủ đầu tư, sau hơn 10 năm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, đến nay dự án vẫn còn là một bãi đất ngổn ngang đủ thứ rác thải. Tương tự, các hồ điều tiết Gò Dưa được xây dựng tại các phường Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Linh Đông và Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Hồ hoàn thành giúp giảm ngập cho hơn 1.300ha. Dự án xây dựng gồm hồ và nạo vét các tuyến rạch Gò Dưa, ông Dầu, Khuôn Việt, cầu Làng, cầu Quán, Tám Táng, Lùng thuộc các phường trên. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng 3 hồ điều tiết với quy mô khoảng 24ha tại phường Tam Phú và Linh Đông; nạo vét 15km kênh rạch trong khu vực để thông hệ thống dòng chảy và tăng dung tích trữ nước; xây dựng hệ thống trạm bơm hỗ trợ khi gặp tổ hợp bất lợi mưa - triều cường. Kinh phí dự toán xây dựng đưa ra trước đây là 600 tỷ đồng và hiện nay tăng lên 1.300 tỷ đồng, chênh lệch nhau quá lớn.
Dự án nào nghe cũng rất “hoành tráng” nhưng thực chất chỉ mới ở giai đoạn “chỉ điểm để đó”. Thiết kế hồ và hệ thống tiêu thoát nước ra - vào, xử lý nguồn nước ô nhiễm, cảnh quan như thế nào vẫn còn trong ý tưởng. Muốn xây dựng một công trình, chủ đầu tư lập hồ sơ tính toán thật kỹ từ khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, các pháp lý để triển khai dự án, báo cáo thiết kế khả thi…, rồi mới đưa ra tổng mức đầu tư cho toàn dự án, chứ không thể ước đoán mò như các đơn vị thời gian qua. Hiện nay, dự án chỉ mới ở giai đoạn phỏng đoán theo mô hình chứ chưa có gì cụ thể. Tóm lại, dự án chỉ nằm trong ý tưởng.
Theo danh mục các dự án đầu tư với số tiền lớn như vậy phải thông qua HĐND TP, mà muốn thông qua HĐND TP thì phải hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý để Sở Kế hoạch Đầu tư đưa vào danh mục dự án trình UBND TP ghi vốn thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết các dự án xây hồ điều tiết chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu khả thi của một đơn vị tư vấn thực hiện và chưa được thẩm định. Mặt dù vấn đề được cho là cấp bách, nhưng tiến độ thực hiện kiểu túc tắc thì thật đáng ngại.
QUỐC HÙNG