Ngày 23-10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi thị sát tiến độ thi công dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, tại quận 6, 11 và Tân Phú. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP (chủ đầu tư) cam kết sẽ rút ngắn tiến độ thi công, hoàn thành tuyến cống hộp kín vào cuối năm 2013. Như vậy, toàn bộ khu vực trên sẽ hết ngập.
Mặt bằng tới đâu, thi công đến đó
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM cho biết, tính đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án tại các quận 6, 11, Tân Phú đạt 1.458 hộ/1.547 hộ (tỷ lệ 94,2%).
Về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, quận 6 chưa thực hiện; quận 11 và Tân Phú đang thực hiện, trong đó di dời điện đạt 90%, cấp nước chưa di dời. Theo kế hoạch đến cuối năm 2014, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Do công trình thi công trong điều kiện diện tích mặt bằng chật hẹp, thời tiết bất thường do mưa, triều cường và xả lũ nên đã làm cho một số vị trí dọc tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm như đường Hòa Bình, Âu Cơ, Đồng Đen, Bàu Cát… bị ngập nước ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực dự án thi công. Công tác thi công của nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn.
Để việc dẫn dòng thoát nước phục vụ thi công dự án hiệu quả, đảm bảo kế hoạch tiến độ thi công và hạn chế gây ngập ảnh hưởng đến đời sống người dân, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị đề nghị UBND quận Tân Phú xử lý nghiêm các hộ dân, cơ sở kinh doanh xả rác ra tuyến kênh, đặc biệt là khu vực cầu Hòa Bình và Trịnh Đình Thảo. Trung tâm chống ngập hỗ trợ trong việc điều tiết giảm lưu lượng dòng chảy về tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm trong trường hợp có triều cường và mưa lớn trên 50mm.
Tập trung giải quyết vướng mắc
Quy mô dự án gồm mở rộng kênh, nắn dòng chảy của kênh (xây cống hộp kín), đắp bờ kênh, tường ngăn lũ và làm đường dọc hai bên bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm với tổng chiều dài 7,5km từ đầu nguồn tiếp giáp đường Âu Cơ, quận Tân Phú đến hạ nguồn kênh Lò Gốm, giáp đường Võ Văn Kiệt, quận 6, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, kênh Tân Hóa - Lò Gốm được cải tạo theo dạng kênh hở kè đá mái dốc, tường chắn bê tông cốt thép và cống hộp bê tông cốt thép. Cải tạo đường dọc bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm với 2,5km đường đi bộ rộng 6m; 6,7km đường rộng 13m và 2km đường rộng 20m và một số nút giao giữa đường dọc kênh, đường trên cống hộp với các đường hiện hữu. Xây dựng một trạm bơm nâng áp và một trạm bơm chuyển tiếp.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ có khoảng 1 triệu người dân được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp, góp phần cải thiện môi trường sống của người dân trong khu vực.
Theo kế hoạch, dự án được hoàn thành trong quý 4-2014. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, phải hoàn thành dự án đưa vào sử dụng sớm hơn kế hoạch đề ra ít nhất 1 năm.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm là một trong những dòng kênh ô nhiễm nặng nề nhất nằm phía Tây TPHCM. Ước tính gần 1 triệu dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dòng kênh này, chủ yếu là cư dân nghèo. Từ cầu Lò Gốm thuộc quận 6 chạy ngược lên thượng nguồn về phía quận Tân Phú, Tân Bình, dòng kênh càng nhỏ lại, nước đen bốc mùi hôi khó chịu. Ô nhiễm đã trở thành nỗi ám ảnh đối với hàng ngàn gia đình sống ven kênh.
Theo đơn vị đầu tư, việc đặt cống hộp thay cho kênh mở có nhiều ưu điểm như giải quyết ngay nạn ô nhiễm, số hộ dân bị giải tỏa ít, số tiền đầu tư cũng ít hơn và TP có thêm một con đường đẹp.
Ông Trần Hữu Trí, Chủ tịch UBND quận 6, khẳng định, quận sẽ tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường, thu hồi đất nhằm đảm bảo kế hoạch thi công chung của toàn bộ dự án. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Trí, TPHCM cũng cần xem xét, tăng giá trị bồi thường về kiến trúc, hỗ trợ tiền tạm cư cho hộ tự lo nơi ở mới và bổ sung tiền thưởng cho các hộ dân chấp hành tốt việc giao mặt bằng cho các hộ dân không đủ điều kiện để bồi thường, hỗ trợ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư dự án để giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án để công trình đạt tiến độ đề ra. Chủ đầu tư dự án phối hợp với nhà thầu thi công có những giải pháp dẫn dòng, hạn chế tình trạng ngập nước khi có mưa lớn, triều cường.
| |
Q.HÙNG - Đ.LÝ