Dự án Luật Thủ đô: Đại biểu Quốc hội đề nghị ra nghị quyết về những nét đặc thù

Dự án Luật Thủ đô đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phân tích, cho ý kiến tại phiên họp tổ hôm qua, 6-11. Đa số ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng, ban hành luật, nhưng còn phân vân về “độ mở” của những cơ chế đặc thù được dự kiến dành cho thủ đô.
Dự án Luật Thủ đô: Đại biểu Quốc hội đề nghị ra nghị quyết về những nét đặc thù

Dự án Luật Thủ đô đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phân tích, cho ý kiến tại phiên họp tổ hôm qua, 6-11. Đa số ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng, ban hành luật, nhưng còn phân vân về “độ mở” của những cơ chế đặc thù được dự kiến dành cho thủ đô.

  • Phải làm rõ đặc thù thủ đô

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đồng tình với việc dành cho thủ đô những cơ chế riêng phù hợp với vị thế đặc biệt về chính trị, kinh tế, xã hội... Tuy nhiên, ông yêu cầu làm rõ những “yếu tố đặc biệt” để từ đó xác định cơ chế phù hợp; đề nghị Ban soạn thảo chú trọng đến lĩnh vực an ninh quốc phòng và ông Sơn cho rằng những nội dung liên quan đến lĩnh vực này trong dự thảo luật hiện nay còn khá sơ sài.

Nút giao thông cắt trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: HỒNG VĨNH

Nút giao thông cắt trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: HỒNG VĨNH

Chia sẻ những vấn đề của một siêu đô thị, ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) đề nghị nên có Luật Thủ đô và luật cho các TP lớn như TPHCM, nhưng trước hết phải làm rõ đặc thù của thủ đô. ĐB Tất Thành Cang (TPHCM) đồng tình: “Địa vị pháp lý thủ đô phải được nhìn nhận ở khía cạnh đầu não về chính trị, văn hóa, xã hội. Hà Nội không chỉ là một TP gồm 29 quận, huyện, thị xã”.

Tán thành với nhiều luận điểm trong báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật về dự thảo luật, ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) cho rằng, dự luật chưa thể hiện rõ được mối quan hệ hai chiều về trách nhiệm giữa thủ đô với cả nước và cả nước với thủ đô. “Đừng vội vàng ra luật cho xong, đừng vì phải hoàn thành nhiệm vụ làm luật của QH 12 mà ban hành ra một văn bản pháp lý ít tính khả thi”, ĐB Nguyễn Hữu Đồng nhận xét. Để có cơ sở vững chắc cho việc quy định các cơ chế riêng cho thủ đô, ĐB Nguyễn Hữu Đồng đề nghị Ban Chấp hành Trung ương ra nghị quyết về những nét đặc thù của thủ đô.

  • Nên “mở” đến đâu?

Tại phiên họp hôm qua, nhiều đại biểu cho rằng, trước hết phải làm rõ chính sách pháp luật hiện hành cản trở thế nào đối với sự phát triển của thủ đô Hà Nội và tại sao thủ đô cũng là một đơn vị hành chính, cũng gặp phải những vấn đề như một số đô thị lớn khác, nhưng lại có tới 18 chính sách đặc thù, trong đó có việc giữ lại ngân sách vượt dự toán, quy định một số mức phí cao hơn nơi khác... Rất băn khoăn với việc thủ đô được hưởng tới 18 chính sách đặc thù, đại biểu Hoàng Văn Minh (Nghệ An) nói: “Trọng trách của những nhà làm luật là phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Nếu hàng rào này bị phá vỡ một lần thì ai đảm bảo rằng nó sẽ không bị phá nhiều lần khác? Và rất có thể người ta sẽ lách luật vì lợi ích riêng”.

Dự án Luật Thủ đô: Đại biểu Quốc hội đề nghị ra nghị quyết về những nét đặc thù ảnh 2

Khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang.

Trong số những quy định cụ thể, nội dung về quản lý dân cư đã được nhiều ĐBQH đề cập đến từ những khía cạnh khác nhau. ĐBQH, Trung tướng Công an Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội) cho biết, áp lực dân số đối với Hà Nội rất lớn nên quy định về nhập cư là cần thiết.

Ông Nhanh nhận định: “Chính sách khung do Chính phủ quy định nhưng cũng cần dành cho HĐND TP ban hành những khoản nhất định để đưa ra những biện pháp cụ thể cho vấn đề quản lý dân cư. Chẳng hạn, TP có thể quy định nhập cư kèm theo điều kiện về nhà ở hoặc không tiếp tục cho nhập khẩu vào khu vực trung tâm, nơi đã quá tải từ nhiều năm nay”.

ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) cũng cho rằng, lượng người nhập cư đổ về Hà Nội là rất lớn và ngày một tăng, “nếu không có giải pháp đặc biệt để quản lý thì đô thị còn phình ra đến đâu? Cơ sở hạ tầng không thể nào đáp ứng được nên kẹt xe, môi trường xuống cấp... là tất yếu”.

Một nội dung có liên quan khác - xử phạt các vi phạm giao thông - cũng đã tạo ra những tranh luận khá sôi nổi trong quá trình thảo luận tại nhiều tổ ĐB. Trong khi một số ý kiến cho rằng, quy định Hà Nội được phép áp dụng mức xử phạt cao hơn là mâu thuẫn với một số văn bản luật và pháp lệnh hiện hành; hoặc luật không nên quy định cụ thể đến như vậy mà chỉ nên nêu nguyên tắc và giao Chính phủ quy định mức cụ thể.

ĐB Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng: “Nếu không quy định vào luật thì không thể thực thi, vì liên quan đến Pháp lệnh về xử phạt do UB Thường vụ QH ban hành; Nghị định hay quyết định của Chính phủ đều có giá trị pháp lý thấp hơn”... ĐB Nguyễn Đức Hiền ủng hộ: “Quyền sửa luật là ở QH, nếu thấy vướng thì dùng một luật sửa nhiều luật”.

Tại tổ ĐBQH TP Hà Nội, vấn đề này cũng được thảo luận khá kỹ. ĐB Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nói: “Việc này là cần thiết để giảm áp lực giao thông. Tuy thế, cùng với đó phải là các nhóm giải pháp về quản lý hạ tầng, phương tiện giao thông cá nhân, nâng cao ý thức người dân thì mới giải quyết tận gốc vấn đề”. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) tính xa hơn: “Thu phí, phạt ở nội thành cao hơn là đúng, nhưng liệu người dân ở trung tâm có thắc mắc họ khác gì dân ở ngoại thành mà phải chịu cao hơn. Vấn đề này cần được làm rõ”.

Theo chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 8, ngày 16-11 tới, QH sẽ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô tại phiên họp toàn thể

ANH THƯ – LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục