Dự án nhà máy điện hạt nhân - Những bước đi cẩn trọng

Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên của Việt Nam Ninh Thuận 1 (đặt tại Ninh Thuận) sẽ dời thời điểm khởi công đến năm 2020. Đây là bước đi cần thiết nhằm phát triển năng lượng điện hạt nhân tại Việt Nam một cách bền vững, đặc biệt sau thảm họa phóng xạ tại Fukushima (Nhật Bản). Sẽ có thêm gần 6 năm nữa để Việt Nam chú trọng đến các yếu tố an toàn khi xây các lò phản ứng. Trong đó, công tác chuẩn bị nguồn lực và truyền thông ĐHN đóng vai trò quan trọng.
Dự án nhà máy điện hạt nhân - Những bước đi cẩn trọng

Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên của Việt Nam Ninh Thuận 1 (đặt tại Ninh Thuận) sẽ dời thời điểm khởi công đến năm 2020. Đây là bước đi cần thiết nhằm phát triển năng lượng điện hạt nhân tại Việt Nam một cách bền vững, đặc biệt sau thảm họa phóng xạ tại Fukushima (Nhật Bản). Sẽ có thêm gần 6 năm nữa để Việt Nam chú trọng đến các yếu tố an toàn khi xây các lò phản ứng. Trong đó, công tác chuẩn bị nguồn lực và truyền thông ĐHN đóng vai trò quan trọng.

Phối cảnh Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, dự kiến xây dựng tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh

Công nghệ tiên tiến, an toàn

Tại hội thảo về “Truyền thông điện hạt nhân” cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài khu vực phía Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận, cho biết nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 dự kiến sử dụng công nghệ lò phản ứng VVER 1200 của Nga. Đây là thế hệ lò hiện đại, sử dụng công nghệ an toàn chủ động và thụ động. Công nghệ này đã được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế kiểm chứng và sắp sửa đưa vào xây dựng tại một số nước như Belarus, Trung Quốc...

Theo PGS-TS Pavel A. Belousov, Đại học Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Nga, VVER là một trong những phương án thành công nhất nhằm tạo ra một lò phản ứng ĐHN an toàn và hiệu quả. Từ những năm 1960, có 67 tổ máy điện sử dụng lò phản ứng VVER do Nga thiết kế đã được xây dựng. Hiện nay, có 57 lò phản ứng đang vận hành tại 19 nhà máy ĐHN của 11 quốc gia. Sự ổn định của các lò phản ứng được chứng minh qua thời gian dài không xảy ra sự cố.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, bên cạnh phát triển năng lượng sạch nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam luôn chú trọng đến yếu tố an toàn và hiệu quả khi phát triển ĐHN. Hiện nay, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã phát triển một khung chương trình ĐHN. Trong đó, các quốc gia muốn xây dựng hệ thống ĐHN phải trải qua 3 giai đoạn với 19 vấn đề hạ tầng cần xem xét như hệ thống pháp luật, nguồn nhân lực, an ninh và bảo vệ thực tế nhà máy điện... Thời gian thực hiện 3 giai đoạn ước tính khoảng 10 - 15 năm. Trong điều kiện Việt Nam mới tiếp cận với ĐHN, cần nhiều thời gian hơn để chuẩn bị.

Cũng theo ông Tuấn, hiện chúng ta đã có những bước đi khá cẩn trọng trên phương diện văn bản pháp luật, chính sách. Có thể kể đến Luật Năng lượng nguyên tử được Quốc hội thông qua vào năm 2008, Quyết định số 906/QĐ-TTg về phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển ĐHN ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó là khâu lựa chọn công nghệ cũng như đánh giá các tác động môi trường tại địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN.

Hoàn thiện khâu chuẩn bị

Kinh nghiệm từ các quốc gia đi đầu về ĐHN cho thấy, các quốc gia muốn phát triển được ĐHN phải chuẩn bị ngay từ đầu một đội ngũ chuyên gia và cán bộ. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có dự án riêng về phát triển nhân lực của hai nhà máy tại Ninh Thuận và đã được phê duyệt. Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã có đề án để phát triển nhân lực tập trung đào tạo đại học và sau đại học. Hiện đã có 353 sinh viên của Việt Nam đang theo học tại cơ sở đào tạo của Nga. Tốp sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp vào cuối năm 2006. Trong tương lai, đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong quá trình vận hành các nhà máy ĐHN.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học - công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cũng cho biết Việt Nam có kinh nghiệm gần 30 năm vận hành lò phản ứng hạt nhân tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Đây cũng là nơi sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ cho các lĩnh vực y tế, công nghiệp và nông nghiệp... Song việc xây dựng những nhà máy ĐHN hiện còn một số khó khăn do tâm lý nghi ngại của người dân về độ an toàn trong lĩnh vực hạt nhân.

Do vậy, thời gian tới, các bộ ngành, địa phương và cơ quan cần đẩy mạnh thực hiện Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 (Đề án 370) của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hình thức thông tin, tuyên truyền phải đa dạng, phong phú với từng lứa tuổi, từng nhóm đối tượng công chúng và từng địa phương; nội dung thông tin đa chiều, có phương án phản hồi những ý kiến trái chiều về ĐHN để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 sẽ do Công ty Liên hợp ASE - NIAEP trực thuộc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) xây dựng. Nguồn vốn khoảng 8 - 10 tỷ USD, chủ yếu được Nga cho vay theo hiệp định đã ký trước đó của chính phủ hai nước. Khi hoàn thành, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có 4 tổ máy với công suất khoảng 4.000MW, đóng góp khoảng 3% - 4% trong tổng nhu cầu điện năng của cả nước. Theo định hướng quy hoạch phát triển, điện hạt nhân sẽ đóng góp khoảng 10% tổng công suất điện quốc gia trong những năm tới.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục