
Hơn một năm qua, dự án làm bờ kè rạch Mốp kết hợp đường giao thông chạy qua địa bàn dân cư tại tổ 8B, KP3A, P.Thạnh Lộc, Q.12, TPHCM do Ban Quản lý Dự án Q.12 làm chủ đầu tư đã bị bỏ dở, khiến cuộc sống người dân nơi đây thường xuyên đối mặt với ô nhiễm môi trường và canh cánh nỗi lo nhà ngập khi mùa mưa tới.
Sống chung với... muỗi!
8g sáng, không phải giờ nước lên mà mực nước đen ngòm tại rạch Mốp đã có chỗ cao gần 1m so với nền nhà dân.

Công trình dở dang… còn lại là những đống đất
Ông Phạm Ngọc Thứ, ở số nhà 68A than thở: ‘Tổ dân phố đã họp và kiến nghị nhiều lần nhưng chẳng thấy trả lời? Tháng 3-2007, tôi có nhận được thư yêu cầu giải tỏa, sau 90 ngày công trình sẽ hoàn thành. 40 hộ gia đình sống ven sông có đất thổ cư nằm trong diện giải tỏa để làm đê bao và đường giao thông. Mặc dù giá đất cao nhưng chúng tôi thống nhất cùng hiến đất, mỗi nhà khoảng 6m, nếu làm đường cần bao nhiêu đất gia đình tôi hiến bấy nhiêu, đâu có tính đền bù, chỉ mong sao khẩn trương giải phóng làm bờ, làm đường cho nhanh để mùa mưa đỡ khổ, khỏi ngập lụt... Thế nhưng đến bây giờ, đâu vẫn nguyên đó!”.
Chỉ tay vào bãi đất ngổn ngang trên đường, ông Nguyễn Văn Thạnh, tổ trưởng tổ 8B bức xúc: “Có những năm thủy triều dâng kèm theo mưa lớn, đê bao có nguy cơ vỡ, toàn khu phố nháo nhác. Thấy quận, phường quan tâm, dân mừng lắm nhưng đã hơn một năm rồi, giờ phải huy động bà con chuẩn bị cát chống ngập!”.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Tại sao trước khi đề ra chủ trương, không khảo sát và lường trước những khó khăn? Ông Thạnh cho biết: “Chúng tôi đề nghị nhiều lần lên phường nhưng không có kết quả”.
Cùng nỗi bức xúc của ông Thạnh là ông Mai Thế Chung, ở số nhà 63A, KP3 A cho hay: “Khu phố chúng tôi thực hiện theo yêu cầu của phường, quận là hiến đất để khắc phục úng ngập nhưng cuối cùng công trình “không đầu, không cuối”, đổ được mấy xe đất chình ình cản trở lối đi của dân rồi đánh trống bỏ dùi.
Khổ nhất là khu nhà trọ tạm bợ của những người thợ hồ quê Trà Vinh. Trong gian trọ lụp xụp, ẩm thấp cạnh con rạch Mốp, bà Phạm Thị Bé tâm sự: “Nước vô, ra là chuyện bình thường, có đêm đi ngủ, nước còn lưng chân giường, đến sáng nước rút để lại một lớp bùn rác đen thui”.
Chỉ tại vài... trụ điện?
Ông Đoàn Văn Lý, Chủ tịch phường Thạnh Lộc cho biết, rạch Mốp chảy ra sông Vàm Thuật nối liền giữa quận Gò Vấp và quận 12 rồi ra sông Sài Gòn, đi qua địa phận khu dân cư phường Thạnh Lộc dài gần 800m.
Ngày 26-9-2006, UBND Q.12 có Quyết định số 258 phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình bờ bao kết hợp giao thông rạch Mốp. Công trình do Ban Quản lý dự án Q.12 làm chủ đầu tư và Công ty Dịch vụ công ích Q.12 trực tiếp thi công.
Trên toàn tuyến có 40 hộ ảnh hưởng. UBND phường đã vận động và các hộ dân đều đồng ý hiến đất cũng như nhận kinh phí hỗ trợ đối với các hộ khó khăn. Đến tháng 10-2007 đã bàn giao trên 100% mặt bằng cho đơn vị thi công, nhưng đến nay chỉ mới đặt được 15 cống, san lấp được khoảng 10% nền hạ.
Việc thực hiện công trình quá chậm gây nhiều bức xúc cho các hộ dân nhất là các đợt triều cường làm tràn bờ gây ngập úng ảnh hưởng đến tài sản, sinh hoạt của bà con.
Ngày 7-11-2007, UBND phường đã có công văn số 67 đề nghị UBND Q.12, Ban Quản lý dự án quận có biện pháp buộc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình. “Nếu xét thấy đơn vị thi công không thiện chí, không đủ năng lực, đề nghị nhanh chóng có xem xét thay thế”. Tuy nhiên đến nay mọi việc vẫn nằm yên.
Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ phụ trách kiến thiết giao thông phường Thạnh Lộc để tìm lời giải cho sự việc này, bà Hà cho biết: Nguyên nhân chậm trễ do đơn vị thi công khó khăn về nguồn đất để san lấp rồi bị ảnh hưởng về thời tiết.
Ngoài ra là do chưa thể di dời gần 10 trụ điện ven rạch Mốp, vì phải liên hệ tới Sở Công nghiệp để hỗ trợ di dời chứ không chỉ có Điện lực Hóc Môn.
Những lý do trên liệu có chính đáng để bà con tiếp tục sống trong cảnh ô nhiễm và phải lo âu khi mùa mưa tới!?.

Việt Nhân - Quỳnh Hương