Hôm qua 16-12, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - VRN đã tổ chức hội thảo chuyên đề đặc biệt “Lưu vực sông Đồng Nai - Tác động của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A” nhằm tạo diễn đàn đa chiều về tác động tiềm năng và những vấn đề cần lưu ý của 2 dự án thủy điện 6 và 6A do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư.
Theo TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia biến đổi khí hậu và tài nguyên nước, thành viên Ban tư vấn VRN, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về 2 dự án thủy điện này còn nhiều lỗ hổng chưa được làm rõ. Thứ nhất, cả thủy điện 6 và 6A đều có diện tích chiếm dụng Vườn quốc gia Cát Tiên trên 50ha. Đây là những dự án cần phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, trong báo cáo ĐTM đã không hề nêu căn cứ pháp lý quan trọng này. Chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư và quyết định đầu tư trên cơ sở kết quả thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của Bộ Công thương. Do vậy, trước khi tiến hành các bước tiếp theo như thiết kế khả thi, chủ đầu tư phải xúc tiến các bước trình các cơ quan nhà nước liên quan để có tờ trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư.
Thứ hai, dự án 6 và 6A không phải là công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh nên việc xây dựng 2 dự án này vi phạm Điều 7 Luật Đa dạng sinh học.
Thứ ba, nghi ngại diện tích rừng bị mất sẽ cao hơn.
Theo báo cáo ĐTM, dự án Đồng Nai 6A sẽ làm mất 174,6ha rừng, còn dự án Đồng Nai 6 tổng diện tích cấp đất cho công trình là 197,63ha. Con số này được tính toán dựa vào diện tích đất bị ngập nước, phần đất rừng bị chiếm do xây dựng công trình và phần đất dành cho thi công.
Các con số này hoàn toàn không đúng trong thực tế. Kinh nghiệm từ việc xây dựng hồ chứa nước của các công trình thủy điện cho thấy, diện tích rừng bị mất thường cao hơn từ 20% - 30% so với diện tích rừng bị ngập nước, cũng có những công trình mất nhiều hơn, lên tới 60% - 70% diện tích nước mặt hồ!
TS Lê Tự Trình, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường VN, cảnh báo, nếu dự án 6 và 6A được phép triển khai thì không chỉ hệ sinh thái của khu bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên bị phá vỡ mà còn những tác động kèm theo như vết dầu loang. TS Lê Tự Trình cho rằng, với những dự án nào nằm trong vườn bảo tồn thì Chính phủ kiên quyết không cho phép đầu tư khai thác vào các mục đích khác, không nên nói là tạm dừng!
Các thảo luận tại hội thảo đã thể hiện rõ quan điểm đối với dự án thủy điện 6 và 6A. Đó là cần đặc biệt quan tâm về các công ước và sự công nhận của quốc tế đối với vườn quốc gia, vì Cát Tiên thuộc khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. UNESCO đang thẩm định hồ sơ công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là khu di sản thiên nhiên thế giới, do đó sẽ khó thuyết phục UNESCO nếu không có cam kết mạnh mẽ của Chính phủ.
Vườn quốc gia Cát Tiên cùng với sông Đồng Nai có tính đa dạng sinh học cao cùng giá trị quý giá về văn hóa lịch sử - khảo cổ nhưng chưa được đánh giá tác động chính xác, cụ thể và khách quan. Điều quan trọng là tác động hạ lưu của 2 thủy điện chưa được đánh giá đầy đủ. Tác động của 2 dự án cho môi trường tự nhiên và xã hội sẽ rất lớn, gây hậu quả khó lường và không có khả năng khắc phục.
Hội thảo cũng thống nhất kiến nghị cần xem xét lại tính pháp lý của 2 dự án thủy điện, rà soát, đánh giá lại quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai. Cần đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết, cụ thể có cơ sở khoa học do một đơn vị tư vấn uy tín thực hiện độc lập, nếu cần nên có sự tham gia của chuyên gia quốc tế. Tránh tình trạng các báo cáo ĐTM thường thiếu khách quan do được thực hiện bởi kinh phí từ chính chủ đầu tư dự án.
HẢI THÚY