Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A - Đánh giá nghiêm túc nếu muốn triển khai

“Khả năng tê giác không còn nữa rất cao”
Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A - Đánh giá nghiêm túc nếu muốn triển khai

Theo Tập đoàn Đức Long Gia Lai, chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có quy mô 241 MW với tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng, giá bán điện dự kiến là 4,5 cent/kW, sau 17 năm vận hành sẽ hoàn vốn. Rõ ràng đây là một đề án kinh tế khá hấp dẫn, tuy nhiên điều khiến dư luận lo lắng nhất chính là hậu quả của nó khi đi vào vận hành, đặc biệt là tác động đến vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên (VQG Cát Tiên). Trong hội thảo quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông Đồng Nai - trường hợp thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã được tổ chức ở VQG Cát Tiên ngày 7-8, nhiều vấn đề tiếp tục được đưa ra mổ xẻ.

  • Những điều “sót” trong báo cáo
Khu vực rừng với nhiều loại cây có tên trong sách đỏ này sẽ bị ngập chìm khi xây thủy điện.
Khu vực rừng với nhiều loại cây có tên trong sách đỏ này sẽ bị ngập chìm khi xây thủy điện.

Trước buổi hội thảo, ngày 6-8, các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, bảo tồn sinh học… đã có chuyến khảo sát thực tế VQG Cát Tiên tại khu vực dự kiến xây thủy điện. Đoàn khảo sát đã bất ngờ với những gì “mắt thấy tai nghe”, không có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Với cao trình mực nước dâng 224m, đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ làm ngập hơn 136ha rừng, gồm các tiểu khu 497 và 506 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Khác với những báo cáo chung chung của Bộ NN-PTNT, rằng khu vực dự án chỉ là rừng gỗ nghèo như rừng nghèo hỗn giao, nơi đây có nhiều loài cây quý có tên trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) như cẩm lai, trắc, mun, kơ-nia… Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện khá nhiều loài thực vật quý hiếm trong lĩnh vực dược học như: ba gạc, sâm cau, một số loại cây học gừng… và một số loài thực vật khác chưa được định tên.

Trong buổi hội thảo, vấn đề đánh giá tác động môi trường của dự án tiếp tục được mổ xẻ. TS Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ, phân tích: Báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ đầu tư đã bỏ qua hoặc không đầy đủ các chi tiết đánh giá cần thiết của 12 vấn đề, đáng chú ý là hệ sinh thái thay đổi, thay đổi môi trường sống các loài hoang dã, di dân và sinh kế, xói lở hạ lưu…

Ông Lâm Đình Uy, điều phối viên của Mạng sông ngòi Việt Nam, chỉ rõ những lỗ hổng điều tra xã hội trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án: nhiều phiếu điều tra không có thông tin - chỉ ghi họ tên, còn thông tin điều tra trống rỗng, không có xác nhận của chính quyền địa phương, không phân định rõ đối tượng bị ảnh hưởng cũng như không đề cập đến nhiều ngư dân sinh sống tại khu vực trên.

Trong tham luận của mình, ông Hoàng Văn Thống, Chánh thanh tra Sở TN-MT Đồng Nai, cho biết: “Việc xây thủy điện dày đặc, các thủy điện đua nhau tích nước đã làm tình trạng thiếu nước trên sông Đồng Nai đã trở nên nguy cấp, khiến tình trạng xâm nhập mặn phía hạ lưu càng trở nên gay gắt, đe dọa an ninh lương thực cũng như an sinh xã hội trên lưu vực sông này”.

TS Đào Trọng Tứ (thành viên Hiệp hội nước Việt Nam), nêu lên một hiện trạng khác, đó là lưu vực sông Đồng Nai có 19 thủy điện, mật độ dày đặc nhưng hiện nay chưa có một “nhạc trưởng” trong công tác quản lý tài nguyên nước cho toàn lưu vực.

Hai tổ chức là Ban Quản lý Quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai (thuộc Bộ NN-PTNT), Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Đồng Nai (thuộc Bộ TN-MT) dường như không có tiếng nói đối với các vấn đề quan trọng của lưu vực.

Ý kiến của các đại biểu cơ bản thống nhất rằng nên dừng hoặc cần nghiên cứu nghiêm túc trước khi triển khai dự án này.

  • Cơ sở pháp lý nào cho dự án?

Nhiều vấn đề khác đã nảy sinh tranh cãi giữa chủ đầu tư và các đại biểu.

Khi trả lời câu hỏi về việc lập đánh giá tác động môi trường, đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai giải thích khá dài, sau đó cho biết, Bộ TN-MT yêu cầu theo quy định là phải trình Quốc hội xem xét, nên chưa được duyệt.

“Đang chờ duyệt nhưng dựa trên cơ sở nào mà các ông công bố cuối năm đã khởi công?”, một phóng viên hỏi. Đại diện chủ đầu tư trả lời: “Chúng tôi chưa khẳng định cuối năm nay khởi công, chỉ dự báo cuối năm 2015 hoặc 2016 hoàn thành”.

Không hài lòng về câu trả lời của chủ đầu tư “không có chức năng phản biện đánh giá tác động môi trường”, một nhà báo đặt câu hỏi, “nhưng tại sao lại ký trình?”, đại diện chủ đầu tư nói: “Chúng tôi đến tham dự hội thảo chứ không phải là họp báo, nên chúng tôi không trả lời”.

Chủ đầu tư còn cho rằng dự án tác động không lớn lắm đến VQG Cát Tiên. Tuy nhiên trong văn bản dài gần 3 trang gửi chủ đầu tư, VQG Cát Tiên lại nêu lên hàng loạt vấn đề ảnh hưởng của thủy điện, trong đó có đề nghị “các cơ quan chức năng xem xét cẩn trọng việc cho phép đầu tư xây dựng 2 công trình thủy điện nói trên”!

Khi hỏi, xây dựng thủy điện trong VQG Cát Tiên có vi phạm Điều 7 trong Luật Đa dạng sinh học hay không? Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần Xây dựng điện 4, Phó Chủ nhiệm dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, chỉ nói: “Cơ sở pháp lý hoàn toàn tuân thủ quy định. Trong phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đã phát biểu là triển khai 2 thủy điện này phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật”.

“Khả năng tê giác không còn nữa rất cao”

Đó là khẳng định của ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG Cát Tiên, tại hội thảo. Sự hoài nghi không còn loài tê giác tại VQG Cát Tiên cũng trở thành chủ đề nóng tại hội thảo. GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, tỏ ra xót xa: loài tê giác quý hiếm này chỉ có tại 2 nước trên thế giới, đó là Việt Nam và Indonesia. Số liệu năm 1998, Indonesia có 40 con, thì nay tăng lên 60 con. Việt Nam năm 1990 có khoảng 5 - 7 con, nhưng nay có khả năng tuyệt chủng!

Ông Trần Văn Thành cho biết: Với sự xuất hiện của 2 dự án thủy điện, có khả năng vùng ngập nước sẽ xóa hoàn toàn môi trường sống của loài tê giác. Lúc đó thì sự tuyệt chủng loại động vật quý hiếm này là không thể tránh khỏi.

Q.HÙNG - L.THIỆN

Tin cùng chuyên mục