Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Đối diện nguy cơ ngập nghiêm trọng” ở TPHCM và vùng ĐBSCL, tòa soạn đã nhận được bài viết của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, GS-TS Đào xuân học liên quan đến vấn đề trên, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Dự án đê biển từ Vũng Tàu đến Gò Công (Tiền Giang) liên quan trực tiếp đến vùng đất trũng thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ và hệ thống sông Đồng Nai, bao gồm khu vực Đồng Tháp Mười và khu vực TPHCM.
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã và đang tác động mạnh mẽ tới vấn đề xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở tỉnh Long An trên sông Vàm Cỏ, hệ thống thủy lợi Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, trên sông Sài Gòn, tác động đến vấn đề úng ngập của TPHCM và ngập lũ của vùng Đồng Tháp Mười. Mưa cực đoan trên lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn và tại khu vực TPHCM, kết hợp triều cường - nước biển dâng sẽ càng gây sức ép đến hệ thống tiêu thoát nước làm gia tăng tình trạng ngập lụt tại TPHCM.
Để giải quyết tình trạng ngập úng do triều và lũ ở TPHCM, việc xây dựng tuyến đê biển từ Vũng Tàu đến Gò Công là công trình sẽ đem lại hiệu ích tổng hợp cho phát triển kinh tế xã hội trong vùng và vùng miền Tây Nam bộ. Dự án đê biển bao gồm một tuyến đê dài 32km, xuất phát từ Vũng Tàu đến Gò Công, chiều sâu nước trung bình 6m, nơi sâu nhất 12m và một cống kiểm soát triều, thoát lũ và các âu thuyền phục vụ giao thông thủy, mặt đê rộng 50m. Sau khi đê được xây dựng sẽ tạo được một hồ chứa với diện tích mặt nước 56.000ha chưa kể diện tích bán ngập, dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỷ m³ chưa kể khối lượng nước ở các sông khoảng gần 2 tỷ m³, trục giao thông kết nối Vũng Tàu với miền Tây.
Thông qua cống kiểm soát triều ở đê, ta có thể khống chế mực nước trong hồ theo yêu cầu; có thể chứa lũ, chứa nước mưa khi triều lên, khi triều rút thì xả nước mưa và lũ, như vậy khả năng thoát lũ của các sông sẽ tăng lên tạo điều kiện thoát lũ vùng Đồng Tháp Mười và khu vực TPHCM, theo kết quả tính toán sơ bộ tổng lượng nước được tiêu sẽ tăng lên xấp xỉ 2 lần trong cùng một đơn vị thời gian. Do đó, mực nước trên sông sẽ được hạ thấp, tạo điều kiện tăng khả năng thoát nước mưa từ hệ thống cống rãnh trong thành phố. Con đê lớn và bền vững có thể ngăn chặn tất cả các loại thiên tai từ biển như bão, sóng thần, nơi tránh trú bão cho các loại tàu thuyền ở khu vực.
Đỉnh triều cao là nguyên nhân chính gây nên tình trạng xâm nhập mặn, do chủ động kiểm soát được mực nước trong hồ, nên tình trạng xâm nhập mặn sẽ không sâu vào đất liền và có thể khống chế theo mong muốn. Hơn nữa, cũng tạo ra trục giao thông thuận lợi kết nối các vùng. Hiện nay từ các tỉnh miền Tây đi Vũng Tàu phải lên TPHCM và từ TPHCM đi Vũng Tàu dài 116km đường bộ. Khi trục đê biển hình thành, từ thị xã Tiền Giang đi đến Vũng Tàu chỉ còn 70km.
Đặc biệt khi tuyến đê biển kết hợp với đường giao thông ven biển được thi công xong sẽ tạo sự kết nối rất thuận lợi dọc theo đường biển từ Phan Rang - Phan Thiết - Vũng Tàu - các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tạo quỹ đất rộng rãi dọc hai bên đê để xây dựng cảng biển cho Vũng Tàu, Tiền Giang và các tỉnh trong vùng.
Với diện tích 56.000ha mặt nước mới được tạo ra và còn khoảng 5.000ha vùng trũng thấp bán ngập ven hồ, ven sông chưa được sử dụng, chúng ta sẽ dành một phần đất để phát triển các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ và các khu đô thị thuộc thành phố Vũng Tàu, TPHCM, Tiền Giang và Long An. Riêng TPHCM diện tích vùng trũng thấp khoảng gần 100.000ha chưa được khai thác, hoặc khai thác chưa hiệu quả sẽ trở thành vùng đất màu mỡ hoặc phát triển đô thị, mở rộng thành phố ra phía biển một cách rất an toàn.
Xây dựng đê biển và một cống ngăn triều cũng giúp chúng ta giảm được ít nhất 3 cống lớn sẽ phải xây dựng trong thời gian tới: Cống Vàm Cỏ khoảng 800m đã nghiên cứu xây dựng tiền khả thi năm 2005; cống trên sông Lòng Tàu đáy sông sâu 30m, rộng khoảng 300m và Soài Rạp rộng khoảng 3km, sâu khoảng 20m. Cống trên đê sẽ nhỏ hơn ba cống ở trên. Các cống trong dự án chống ngập úng ở TPHCM sẽ được xem xét lại về sự cần thiết và quy mô trong thời gian tới.
Với mục tiêu chính đã nêu ở trên do có cống điều tiết chỉ ngăn đỉnh triều để chống ngập triều, ngập lũ cho TPHCM và tăng khả năng tiêu thoát lũ, hồ phía trong đê vẫn là hồ nước mặn nên không ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái khu vực bên trong đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng Cần Giờ.
Kinh phí xây dựng đê, cống, thủy điện sử dụng năng lượng triều và đường giao thông sẽ chủ yếu do các thành phần kinh tế, các tập đoàn được hưởng lợi từ quỹ đất để xây dựng đô thị, du lịch và các dịch vụ. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, lập dự án, thiết kế và một phần nhỏ trong xây dựng.
GS-TS ĐÀO XUÂN HỌC
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT