Dự án xây dựng các tuyến tàu điện ngầm tại TPHCM - Bài 2: Hạn chế tối đa thiệt hại

Do thay đổi thiết kế nên ranh giới mặt bằng một số vị trí xây dựng các ga trên tuyến metro số 2 phải điều chỉnh. Mục tiêu đặt ra là làm sao giảm thiểu những tác động xấu của việc điều chỉnh đến đời sống người dân dọc tuyến metro này.
Dự án xây dựng các tuyến tàu điện ngầm tại TPHCM - Bài 2: Hạn chế tối đa thiệt hại

Do thay đổi thiết kế nên ranh giới mặt bằng một số vị trí xây dựng các ga trên tuyến metro số 2 phải điều chỉnh. Mục tiêu đặt ra là làm sao giảm thiểu những tác động xấu của việc điều chỉnh đến đời sống người dân dọc tuyến metro này.

Chuẩn bị mặt bằng để thi công metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Cao Thăng

Chuẩn bị mặt bằng để thi công metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Cao Thăng

Xin lỗi dân

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về điều chỉnh ranh giới bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số vị trí xây dựng của ga trên tuyến, thời gian qua, Sở GTVT phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị và các đơn vị có liên quan đã rà soát lại toàn bộ ranh giới bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án, nhất là các vị trí xây nhà ga.

Trên cơ sở đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã phối hợp với UBND các quận thông báo thiết kế chi tiết, lấy ý kiến bổ sung của các hộ dân bị ảnh hưởng. Trong những buổi họp các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án tuyến metro số 2, ông Hoàng Ngọc Tuân, Phó Giám đốc dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, đã xin lỗi và nhận khuyết điểm do sự điều chỉnh làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Giải thích nguyên nhân, ông Hoàng Ngọc Tuân cho biết: Từ năm 2010, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cùng đơn vị tư vấn lập dự án triển khai hồ sơ cắm ranh mốc giải phóng mặt bằng ở các quận 1, 3, 10, 12, Tân Phú và Tân Bình để triển khai công tác bồi thường tái định cư. Tuy nhiên, ranh giải phóng mặt bằng trong giai đoạn lập thiết kế cơ sở lại không phù hợp với yêu cầu nhà ga phải đủ diện tích để bố trí các hạng mục công trình.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cho biết, quá trình điều tra, khảo sát sơ bộ hướng tuyến của dự án đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 33.600m² gồm 347 hộ dân, 33 cơ quan, tổ chức đoàn thể. Có khoảng 509 kiến trúc bị ảnh hưởng gồm 216 nhà dân, 217 cửa hàng, 50 trụ sở kinh doanh buôn bán, 15 văn phòng, 10 cơ quan nhà nước, 1 nghĩa trang. Ước tính có khoảng 2.900 nhân viên đang làm việc trong 285 cơ sở kinh doanh và cửa hàng buôn bán bị ảnh hưởng.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cho biết, đến nay các quận đã thực hiện công tác xác định hộ dân bị ảnh hưởng trong ranh giải phóng mặt bằng như đo đạc, kiểm đếm đất, tài sản trên đất. Đồng thời, các quận đã khảo sát giá đất thị trường chuẩn bị trình UBND TPHCM phê duyệt để tiến hành bồi thường, hỗ trợ.

Sớm ổn định cuộc sống

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị TP cho biết, ngay trong năm 2014 phải triển khai và hoàn thành công tác giải tỏa mặt bằng thì mới kịp tiến độ xây dựng tuyến metro số 2. Tuy nhiên, hầu hết người dân trong vùng bị giải tỏa cho rằng, năm 2014 triển khai thi công nhưng hiện nay người dân chỉ mới biết ranh giới giải phóng mặt bằng, còn giá cả và nơi tái định cư vẫn chưa có thông tin cụ thể.

Anh Lê Đức Hoàng, nhà số 1A1 đường 3 Tháng 2, phường 11 quận 10 cho biết, dự án triển khai chậm làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trước đây quận đã kiểm kê tài sản, cắm mốc ranh giới thu hồi đất, nói chung mọi thứ đã xong nhưng sau đó lại hủy vì thiết kế thay đổi. Từ đó đến nay người dân rất lo lắng không biết có còn điều chỉnh nữa không, nhất là những hộ nhà mặt tiền cho thuê không ai dám thuê vì nằm trong ranh giới giải tỏa. Xây dựng lại nhà cũng không được. “Theo thiết kế cũ nhà tôi không bị giải tỏa nhưng thiết kế mới thì bị ảnh hưởng. Việc di dời để thực hiện dự án thì phải chấp hành nhưng làm sao bồi thường, hỗ trợ ít nhất cũng phải bằng hiện tại” - anh Hoàng nói.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan ngụ số 4 đường 3 Tháng 2, phường 12 quận 10, cho biết: “Nhà tôi bị giải tỏa trắng nên đang băn khoăn chuyện đền bù, tái định cư làm sao để ổn định cuộc sống. Nguyện vọng của chúng tôi là được tái định cư ngay trên địa bàn quận”. Bà Huỳnh Thị Quế Anh ngụ tại số 16 đường Cách mạng Tháng Tám thắc mắc, nhà của bà không bị giải tỏa nhưng công trình đi ngầm dưới nhà có bị ảnh hưởng không? Trước khi thực hiện công trình cần công khai phương án thi công để người dân biết và yên tâm.

Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch UBND phường Bến Thành, quận 1 cho biết, qua khảo sát các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, hầu hết đều ủng hộ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quá chậm gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán, nhất là các hợp đồng cho thuê mặt bằng không thực hiện được. Cần khẩn trương công bố chi tiết phạm vi bị ảnh hưởng để người dân yên tâm.

Tổng vốn đầu tư cho tuyến tàu điện ngầm số 2 là 23.700 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), cùng với vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Tổng diện tích mặt bằng phục vụ xây dựng công trình 11.128m². Chiều rộng nhà ga lớn nhất rộng 50,70m, dài 243m. Phía đầu ga hướng Bến Thành kéo dài thêm 18,50m, cuối ga dài thêm 19,50m. Bề rộng đường Cách Mạng Tháng Tám hiện hữu 10,33m, lộ giới quy hoạch 35m, trong đó, phía quận 10 mở rộng thêm 5,5m, phía quận 3 mở rộng thêm 4,35m so với thiết kế trước đây.

QUỐC HÙNG

- Bài 1: Cần thiết điều chỉnh ranh giải phóng mặt bằng

Tin cùng chuyên mục