- Dự án xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện quá chậm
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài vừa phê bình công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM trên địa bàn quận Thủ Đức còn quá chậm. Dự án ĐHQG TPHCM được phê duyệt với diện tích 643,7ha (trong đó có 522ha thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương và 121,7ha thuộc quận Thủ Đức, TPHCM). Trong 8 năm qua, dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng, chi trả 502 tỷ đồng tiền đền bù 504,4ha, đạt 78,4%. Do chưa di dời dân vào khu tái định cư, nên thực tế đất thu hồi được và đang trực tiếp quản lý là 216,2ha (33,6%). Kể từ sau năm 2002, ĐHQG TPHCM đã tiến hành đền bù cho 1.021 hộ/1.691 hộ (đạt 60,3%), nhưng riêng quận Thủ Đức chỉ mới đền bù 302/935 hộ (đạt 32,3%). TP yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện việc xác định chủ đầu tư, phương thức đầu tư, quy hoạch thiết kế xây dựng… đối với các khu tái định cư 6,8ha phường Linh Xuân, quận Thủ Đức và khu tái định cư tại lô CC1, CC2 thuộc dự án xây dựng khu nhà ở cán bộ, giảng viên ĐHQG TPHCM tại quận 9 để báo cáo kết quả cho UBND TPHCM trước ngày 31-12-2007.
N.NG.
- Di dời mồ mả tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TPHCM vừa chỉ đạo về việc bốc mộ cải táng, di dời mồ mả vắng chủ phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại khu quy hoạch xây dựng này. Theo đó, Sở Y tế được giao chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn UBND quận 2 cùng Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM lập Phương án bảo vệ môi trường và quy trình giải quyết đặc biệt vấn đề này. Sở Y tế có trách nhiệm thẩm định và phê duyệt Phương án bảo vệ môi trường và quy trình giải quyết đặc biệt, đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM và UBND quận 2 giám sát và hướng dẫn các đơn vị có liên quan trong suốt quá trình thực hiện bốc mộ, cải táng và di dời mồ mả. TP yêu cầu những đơn vị, cá nhân liên quan khi tham gia việc bốc mộ, cải táng và di dời mồ mả phải tuân thủ theo đúng quy trình, phương án và hướng dẫn của Sở Y tế nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và môi trường.
V.H.A.
- Vận động ngư dân bảo vệ đường ống dẫn khí PM3
Thực hiện quy chế phối hợp giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) với Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Cà Mau về bảo vệ an ninh, an toàn đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, ngày 20-12, tại thị trấn Sông Đốc, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cà Mau phối hợp với PV Gas tổ chức buổi tuyên truyền cho tất cả chủ phương tiện đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển nắm, biết các tọa độ vùng có đường ống dẫn khí đi qua để không khai thác vào khu vực đó, đồng thời yêu cầu ngư dân nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ đường ống, kịp thời thông báo cho BĐBP và các cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến đường ống. Theo đó, dãy tần số thông tin liên lạc để mọi người báo về tình hình an toàn đường ống là Đài canh duyên hải Cà Mau tần số 7969 KHz; BĐBP Cà Mau tần số 7350 KHz. Các tần số liên lạc trên cũng là tần số để ngư dân thông báo về tình hình bão gió và các tình huống xấu xảy ra trên biển khi cần hỗ trợ.
T.M.T.
- Khánh Hòa: Dành hơn 2,2 tỷ đồng bảo tồn vịnh Nha Trang
Để tạo kinh phí bảo tồn biển vịnh Nha Trang, di tích và danh lam thắng cảnh quốc gia, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua nghị quyết về phí tham quan biển vịnh này. Theo đó, sẽ thu phí 5.000 đồng/người/lượt đối với khách tham quan, lưu trú trên vùng biển, đảo vịnh Nha Trang. Đối với khách vào vùng lõi của khu bảo tồn, mức thu là 10.000 đồng/người/lượt với khách xe san hô bằng tàu đáy kính, 40.000 đồng/người/lượt với khách bơi lặn. Về quản lý số tiền phí thu được, 55% sẽ để lại chi trả cho hoạt động của đơn vị thực hiện thu phí, 45% số thu (dự kiến khoảng 2,25 tỷ đồng) sẽ nộp ngân sách để sử dụng cho công tác bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Mức phí này sẽ được áp dụng từ năm 2008.
H. L.