Dự báo các “bệnh” về môi trường

Dự báo các “bệnh” về môi trường

Tại TPHCM hiện nay có 9 trạm quan trắc môi trường (chuyên về không khí và khói bụi) và 8 trạm quan trắc chất lượng môi trường nước mặt và thủy văn. Tên các trạm sẽ được gọi theo khu vực lắp đặt trạm, chẳng hạn trạm đặt tại đường Quang Trung sẽ có tên là trạm Quang Trung, trạm đặt tại trụ sở Sở Khoa học - Công nghệ sẽ có tên là trạm DOST (tên viết tắt tiếng Anh của Sở) và trạm đặt tại Thảo Cầm viên được mang tên trên bản đồ là “trạm Zoo”… Việc lắp đặt các trạm quan trắc này có thể dự báo “bệnh” của thành phố và sau đây là những dự báo đầu năm từ các trạm.

Dự báo các “bệnh” về môi trường ảnh 1

Số lượng xe máy tăng lên một cách ồ ạt.

Lá phổi” thành phố trong năm năm trở lại đây đang xám đi nhanh chóng mà nguyên nhân chính là do số lượng xe máy tăng lên một cách ồ ạt. Kết quả quan trắc không khí ven đường đo được tại các trạm quan trắc cho thấy nồng độ bụi tổng mặc dù có giảm đôi chút nhưng vẫn đang ở mức cao; riêng nồng độ CO vào một số thời điểm vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,05 – 1,21 lần. Chất lượng nước mặt đang bị ô nhiễm hữu cơ, dầu, vi sinh nghiêm trọng.

Đặc biệt vào mùa khô khi khả năng tự làm sạch của kênh rạch, sông thấp thì tình trạng trên gia tăng đến mức đáng báo động. “Làn da” của thành phố cũng đang xấu đi do đất tại một số khu vực sản xuất đất nông nghiệp bị ô nhiễm bởi nước thải sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và bùn thải từ các cống đổ ra.

Chị Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết chỉ trong năm 2005, thanh tra sở đã đi kiểm tra hơn 600 doanh nghiệp, phạt hơn 1 tỷ đồng thế nhưng tình trạng vi phạm xả thải vẫn còn khá phổ biến. Đáng lo ngại hơn là kết quả phân tích các mẫu bùn lắng trong hệ thống sông, kênh rạch và các mẫu đất tại các khu vực vùng ven, khu vực sản xuất đất nông nghiệp gần đây cho thấy đất đang bị ô nhiễm dầu và kim loại ở mức độ khá nguy hiểm và nếu không ngăn chặn kịp thời thì chúng sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt sẽ làm gia tăng các khả năng gây bệnh ung thư.

“Hình thể” của thành phố cũng đang có nguy cơ bị biến dạng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này như san lấp, đắp đôn cao nền xây dựng, biến đổi kết cấu địa tầng… Nhưng tập trung nhất là do việc khai thác nước ngầm với khối lượng lớn (trung bình khoảng 600.000m3 nước/ngày đêm) và diễn ra tràn lan không kiểm soát được đã làm cho một số nơi bị sụt, lún.

Tại các quận Tân Bình, Bình Tân, 11, 6 và huyện Bình Chánh, ngành chức năng đã phát hiện ra tình trạng lún đất mặt, trồi ống giếng khoan… Mực nước ngầm cũng đang cạn kiệt, nhiều nơi mực nước hạ thấp đến trên 30m so với mặt đất và xu hướng này đang tiếp diễn với tốc độ từ 2m đến 3m/năm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho diện tích nước ngọt thì giảm đi và diện tích nước mặn tăng lên nhanh chóng. 

XUÂN - KHÁNH

Tin cùng chuyên mục