Dự cảm năm mới

Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã xác định tốc độc GDP tăng khoảng 6% - 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Trước thềm năm mới, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận những thuận lợi, thách thức của năm con Rồng 2012.
Dự cảm năm mới

Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã xác định tốc độc GDP tăng khoảng 6% - 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Trước thềm năm mới, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận những thuận lợi, thách thức của năm con Rồng 2012.

  • TS CAO SỸ KIÊM, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Có những thứ phải hy sinh, trả giá

TS Cao Sỹ Kiêm

TS Cao Sỹ Kiêm

Theo tôi năm 2012 sẽ khó khăn hơn năm 2011, vì 3 lý do. Thứ nhất, tác động của kinh tế thế giới vẫn chưa được như ý muốn, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp.

Thứ hai, đối với trong nước, những chính sách thắt chặt tín dụng, giảm đầu tư công trong năm 2011 sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng 2012. Những khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2011 sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2012.

Thứ ba, năm 2012 chúng ta tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế trên 3 phương diện tài chính, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước. Ngoài những mặt được của việc tái cơ cấu sẽ xảy ra những mặt trái của nó. Sẽ có những thứ phải hy sinh, phải trả giá, vì thế sẽ làm tốc độ tăng trưởng chậm lại. Nhiều khả năng trong lúc chúng ta tập trung kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tranh thủ, áp chế mua cổ phần, cổ phiếu, tranh thủ vào lấp chỗ trống để chiếm thị phần, kể cả đối với những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế.

Tuy nhiên, tôi tin tưởng chúng ta chủ động hạn chế những điểm yếu, giúp tình hình sẽ ổn định và đi lên.

  • TS TRẦN DU LỊCH, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM: Phải vượt trở lực về lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm

TS Trần Du Lịch

TS Trần Du Lịch

Theo tôi, năm 2012 phải vừa giải quyết những thách thức trước mắt của kinh tế vĩ mô như kéo giảm lạm phát xuống một con số, ổn định tỷ giá, hạ lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời phải bắt đầu thực hiện những chính sách trung, dài hạn để tái cấu trúc nền kinh tế nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nguyên tắc hàng đầu và quan trọng nhất trong quản lý kinh tế vĩ mô theo kinh tế thị trường là sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất hữu hạn. Thước đo hiệu quả của một nền kinh tế là sử dụng các yếu tố hữu hạn đó để mang lại lợi ích cao nhất. Điều này chúng ta chưa làm được trong một thập niên qua, khi so sánh kết quả tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng 3 yếu tố sản xuất chính: tài nguyên tự nhiên, lao động và vốn, khi gần 60% tốc độ tăng trưởng kinh tế dựa vào yếu tố vốn. Do đó, vấn đề quan trọng là phải vượt qua trở lực về lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm trong phân bố nguồn lực. Cơ chế phân bổ hiện nay còn dẫn đến tình trạng người có khả năng tạo ra hiệu quả cao thì không có nguồn lực và ngược lại.

Mô hình tăng trưởng của nước ta dựa trên lợi thế tĩnh, còn đa phần các nước công nghiệp mới họ đi lên từ lợi thế động. Lợi thế động do con người tạo ra và là vô hạn, còn lợi thế tĩnh là hữu hạn. Muốn phát triển phải tạo lợi thế động, lợi thế này có được dựa vào thể chế kinh tế. Đây là điều đang trông chờ trong năm mới.

  • PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia: Tái cấu trúc giúp khắc phục những yếu kém

PGS-TS Trần Hoàng Ngân

PGS-TS Trần Hoàng Ngân

Từ tháng 8-2011 đến nay đã có các dấu hiệu cho thấy kinh tế vĩ mô đi vào ổn định, lạm phát giảm dần, giảm được nhập siêu và bội chi ngân sách, siết chặt đầu tư công… Đặc biệt hơn, Chính phủ đang triển khai một gói giải pháp về tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng. Quá trình này sẽ giúp chúng ta khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của nền kinh tế trong thời gian qua.

Tuy nhiên, điểm lo lắng nhất của tôi đối với năm 2012 là tác động của kinh tế thế giới, vì tình hình vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Những yếu tố khách quan này sẽ tác động đến chúng ta, vì độ mở của nền kinh tế hiện nay rất lớn, lên tới 60% GDP. Mặc dù vậy, với quyết tâm của Chính phủ, với sự đồng thuận của bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới, tôi rất hy vọng chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu đề ra: GDP đạt từ 6% - 6,5%; kiềm chế lạm phát dưới 10%.

  • TS NGUYỄN MINH PHONG, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội: Tăng cường dự báo và phản biện

TS Nguyễn Minh Phong

TS Nguyễn Minh Phong

Dự báo toàn cảnh năm mới, nước ta đang và sẽ còn đối diện với nhiều bài toán và thách thức truyền thống và phi truyền thống. Điều đó đòi hỏi phải có những nhận thức mới và quyết tâm trong việc kiên định mục tiêu phát triển bền vững đã lựa chọn.

Năm 2012 cần bắt tay, kiện toàn ngay việc tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế, các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, điều tiết thị trường, cũng như nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả đầu tư nhà nước. Trong đó, cần tăng cường công tác thông tin (nhất là chất lượng công tác thống kê), dự báo và phản biện chính sách xã hội trước các biến động nhanh chóng của thị trường, nhất là mặt trái của những chính sách đang và sẽ triển khai.

Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra thị trường, giảm thiểu tình trạng đầu cơ, lũng đoạn và lợi dụng tăng giá tùy tiện… Theo tôi, cần coi trọng phát triển hệ thống các thông tin và công cụ cảnh báo sớm, xây dựng những kịch bản chủ động ngăn chặn các nguy cơ bất ổn cục bộ và hệ thống, trước hết từ các khoản nợ công, tín dụng ngắn hạn và cơ cấu nợ tập trung quá mức, sự thiếu hụt khả năng thanh khoản và những bất minh tài chính nội bộ…  

PHAN THẢO - NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục