Du lịch ĐBSCL: Nặng sông, nhẹ biển

Bài 1:
Du lịch ĐBSCL: Nặng sông, nhẹ biển

Bài 1: Vui buồn trên dòng Mekong

Trong những năm gần đây, “văn minh kênh rạch” Nam bộ đã trở thành chủ đề trao đổi, luận bàn đầy hứng khởi đối với du khách trong ngoài nước. Và xu hướng ngược dòng Mekong sang du lịch nước bạn cũng gia tăng nhanh hàng năm.

Sông rạch ở ĐBSCL luôn thu hút du khách nước ngoài.

Sông rạch ở ĐBSCL luôn thu hút du khách nước ngoài.

Bám sông

Sáng sớm, ngã ba sông Hậu trước bến Ninh Kiều gió như ngậm sương, mát lạnh. Hưng, Giám đốc Công ty Du lịch Sao Việt xiết thêm ga làm chiếc cao tốc vọt lên, hai vệt nước trải dài, trắng xóa bám chặt phía sau. Làm một vòng quanh cồn Ấu rồi thả tàu trôi dần ra sông lớn, ngửa mặt ngắm cây cầu Cần Thơ người xe tấp nập. Sông Hậu tháng 4 thật hiền hòa, cảnh vật thanh bình yên ả. Trên chiếc tàu du lịch đang xuôi vô chợ nổi Cái Răng nhiều du khách nước ngoài hứng khởi giơ tay ra vẫy.

Gần trưa, Hưng tấp tàu vào bến phía Vĩnh Long và tự tay làm đồ đãi bạn bè, toàn sản vật tươi rói từ sông Hậu. “Tay này thông thạo sông rạch khắp đồng bằng, từng lái ca nô chở chuyên gia Nhật làm cầu Cần Thơ đi dọc sông Hậu, sông Tiền… Tính toán làm ăn cũng dữ, cả bến và 3 - 4 chiếc cao tốc đang neo dưới đó là của gã đó”, anh bạn đi cùng cho biết. “Bám lấy sông mà sống”, Hưng nói vậy sau khi đặt ly rượu rồi nhìn xuống bến. Chính con sông này tạo cho Hưng ý tưởng và dựng nên cơ nghiệp hôm nay.

Có rất nhiều “cơ nghiệp” khác được dựng lên suốt dọc gần 65km hai bờ sông Hậu chảy qua Cần Thơ này. Chỉ riêng khúc sông ngay bến Ninh Kiều đã có gần chục du thuyền, có chiếc cao 3 - 4 tầng chở trên 400 khách đêm về như tòa nhà nổi, sáng rực cả vùng. Có chiếc trị giá hàng chục tỷ đồng trang bị cao cấp như khách sạn chưa kể cả trăm tàu cao tốc, ghe tàu du lịch lớn nhỏ… Sáng trưa chiều tối đều có tour phục vụ cho khách phiêu diêu sông nước.

“Mỗi năm gần triệu du khách đến với Cần Thơ thì hơn 2/3 đều “ngồi tựa mạn thuyền”, Giám đốc Trung tâm Điều hành hướng dẫn du lịch Cần Thơ Lâm Văn Sơn xác quyết như vậy.

Hấp dẫn Mekong

Chỉ một đoạn sông ngắn khoảng 140km của hạ Mekong nối Phnom Penh và Châu Đốc đã là một câu chuyện dài về văn hóa, lịch sử, kinh tế… Cung bậc thăng trầm của Mekong trải suốt lộ trình. Những bãi cát vàng, những cánh rừng nhiệt đới huyền bí, biển hồ Tonle lớn nhất Đông Nam Á, thành cổ Siem Reap với kỳ quan kiến trúc Angkor đặc sắc; những hàng dừa nước trải dài xanh ngắt, nền “văn hóa ghe xuồng” cùng nhịp sống thường nhật của cư dân châu thổ Cửu Long, nơi giao thoa văn hóa 4 dân tộc anh em…

Sông nước Mekong luôn là yếu tố hấp dẫn du khách nước ngoài.

Sông nước Mekong luôn là yếu tố hấp dẫn du khách nước ngoài.

Từ năm 2007, Saigontourist và hãng Compagnie Fluviale de Mékong (CFM), một trong những hãng tàu du lịch đường sông được khách quốc tế ưa chuộng đã tổ chức chuyến du lịch đường sông theo hành trình Siem Reap - TPHCM - Siem Reap bằng tàu RV Toum Teav và tàu RV Lan Điệp. Khi trở thành đại lý du lịch và hàng hải tại Việt Nam của CFM (2008), các tàu của Saigontourist khiến dòng Mekong thêm dậy sóng.

Ngành du lịch đầu nguồn An Giang còn chủ động liên kết với TPHCM, các tỉnh trong khu vực cùng các tỉnh Takeo, Kandal, Shihanouk Ville, thủ đô Phnom Penh của bạn để nối tour tuyến du lịch xuôi dòng Mekong. Bến tàu Châu Đốc tập trung rất nhiều đơn vị, công ty (Phương Trang, Blue Cruiser, Hàng Châu, Victoria…) khai thác tuyến này. Thời gian vận chuyển nhanh nhất (cao tốc) là 4 giờ 30 và chậm nhất (tàu gỗ) là 6 giờ 30.

Đội thuyền Châu Đốc còn có hàng chục đò chèo và đò máy, mỗi ngày đón hàng trăm khách nước ngoài, trong đó có 80% khách đi theo tour Phnom Penh. Theo thống kê không chính thức, có thời điểm các tàu du lịch xuất hành từ Cần Thơ và Châu Đốc đi Phnom Penh, số lượng khách nước ngoài đạt 500 - 600 lượt mỗi ngày.

* Cuối năm 2010, cảng thủy nội địa hành khách Châu Đốc đã chính thức là cảng hành khách đầu tiên thuộc ĐBSCL đón nhận tàu thuyền hành khách Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài. Nơi đây đang chuẩn bị cho lễ khánh thành mở rộng, nâng cấp cầu cảng. Cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương có dự án lớn kêu gọi đầu tư. Cảng Mỹ Tho đã được nâng cấp với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới ADB. Sóc Trăng cũng vừa phê duyệt phương án kêu gọi đầu tư tuyến tàu khách du lịch cao tốc Trần Đề - Côn Đảo…

Thuyền trưởng tàu du lịch KV.Tunle Pandaw 2 tầng 33 phòng (đôi) Hoàng Xuân Hà hóm hỉnh: “Tàu này đa quốc gia. Chủ là người New Zealand, đóng ở Myanma nhưng mang quốc tịch Campuchia. Tàu chạy theo tuyến Siem Reap – TPHCM và ngược lại. Hơn 3.000 USD/khách cho tour 7 ngày; đặt chỗ qua mạng nhưng có khi phải đợi hàng tháng mới được xác nhận...”. Tần suất hoạt động của tàu ông 4 lần/tháng, nhận khách ở cả hai đầu; khách sẽ đi dọc theo sông Hậu, sông Tiền và sông Sài Gòn, dừng tham quan tại Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, TPHCM. “Bắt đầu hoạt động từ năm 2003 nay công ty đã có 3 chiếc đang chạy trên tuyến này. Tháng 10 năm nay sẽ tung thêm 3 chiếc nữa. Các công ty khác cũng đang hối hả đóng tàu mới”, thuyền trưởng Hà nói.

Mekong ngày càng hấp dẫn. “Ben” (Benoit Perdu), người Pháp, bắt đầu từ một con tàu Bassac 3 tầng, 6 phòng ngủ chạy thử từ Cái Bè đến Cần Thơ và ngược lại nay đã mở công ty ở Cần Thơ với một đội tàu cao cấp phục vụ khách tham quan ĐBSCL và hướng đến thị trường Campuchia cùng hai nhà hàng lớn ven sông Hậu...

Tuy nhiên, đối với du lịch ĐBSCL, ngay đường sông, cho đến nay chỉ mới chủ yếu dừng lại ở hướng khai thác “nội địa”, những tour tuyến đi vào sông rạch nhỏ, kéo dài trong khoảng vài tiếng đồng hồ. Nếu tour đi từ Mỹ Tho lên, du thuyền sẽ neo lại Vĩnh Long tham quan các điểm cù lao, sau đó lên Sa Đéc ngủ đêm. Sáng hôm sau, thẳng lên Châu Đốc và chia tay khách ở đây, tàu tiếp tục chương trình đi Campuchia.

Nếu như tour từ Campuchia qua thì xe và hướng dẫn sẽ đón khách ở Châu Đốc, tham quan làng bè nuôi cá, làng Chăm, sau đó lên xe tham quan tuyến núi Sam, núi Cấm, rừng Trà Sư… Chiều, tàu sẽ xuôi sông Hậu và neo ngủ đêm tại sông Vàm Nao. Hôm sau tiếp tục hành trình về phía hạ lưu và neo ngủ lại Vĩnh Long, kết thúc tại Mỹ Tho.

Để phát triển du lịch đường sông còn nhiều việc phải làm như đầu tư bến bãi, phát triển đội tàu, mở tuyến, điểm tham quan, tạo nguồn khách cũng như phát triển hàng loạt dịch vụ đi kèm (nghỉ ngơi, mua sắm…).

Vũ Thống Nhất


Bài 2: Biển gọi

Biển đâu chỉ có cá

Với lợi thế 8/13 tỉnh thành giáp biển, ĐBSCL tạo ra nguồn lợi thủy sản vô cùng lớn cho cả nước. Chỉ tính riêng vùng biển Tây (vịnh Thái Lan) hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã có trên 500km bờ biển. Hải phận Kiên Giang có 63.290km² ngư trường, khoảng 8.000 tàu, ghe đánh cá lớn nhỏ địa phương và khoảng 3.000 tàu ghe đến từ các tỉnh khác. Ngư trường Cà Mau còn lớn hơn nữa, khoảng 80.000km², hải sản nhiều hơn, đa dạng hơn nhờ phù sa và nước ngọt sông Cửu Long đem lại nhiều dinh dưỡng, khoáng chất.

Kiên Giang có trên 100 hòn đảo lớn nhỏ, Cà Mau có ưu thế nhiều đảo cận bờ đậm nét nguyên sơ như Hòn Khoai, Hòn Chuối… nước trong, cát trắng chạy dài ngút mắt. Mũi Nai Tây Nam Hà Tiên có Hòn Chồng cách bờ chừng 100m, rồi quần đảo Hải Tặc. Gần bãi Hòn Chông là Hòn Trẹm, cát trắng phau. Chùa Hang ẩn sâu dưới mặt đất 40m vang vọng tiếng chuông chùa trên thạch nhũ. Phú Quốc, hòn ngọc châu Á có 99 ngọn núi thắng cảnh, ngoài công nghệ sản xuất 6 triệu lít nước mắm mỗi năm còn được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào danh sách 12 hòn đảo nổi tiếng nhất của thế giới…

Mấy năm gần đây, ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực mang lại bộ mặt mới cho du lịch nhưng sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng. Vẫn chỉ quẩn quanh du lịch sinh thái vườn chim, rừng tràm, miệt vườn, sông nước. Dòng khách du lịch biển - đảo chưa tạo thành vệt, chưa thành dấu ấn. Muốn đi Côn Đảo (cách tỉnh Hậu Giang khoảng 85km, với hơn 2 giờ đồng hồ trong khi đi từ Vũng Tàu khoảng cách xa gấp đôi) người dân vẫn phải ngược lên TPHCM. Ngay cả đảo ngọc Phú Quốc, dù lượng khách tăng hàng năm cũng để lại nhiều nuối tiếc do du lịch phát triển chưa mang tính chuyên nghiệp, hạ tầng chưa tương xứng.

Có lên thượng nguồn, nhìn những chiếc thuyền nhỏ bé chuẩn bị ngược dòng Mekong sang đất bạn “e ấp” bên cạnh những chiếc tàu du lịch cao cấp 2 – 3 tầng quốc tịch nước ngoài sừng sững neo bến đợi xuôi về hạ lưu mới cảm nhận hết nỗi buồn: Ta còn thua sút lắm khi khai thác con sông huyền thoại này. Mong ước cảnh tấp nập du lịch biển như vịnh Hạ Long hay Nha Trang đã khó chứ chưa nói đến Phuket, Pattaya (Thái Lan)...

Biển Tây vẫy gọi

Biển Tây có ưu thế lớn bởi từ xa xưa “con đường tơ lụa” đã có những tàu buồm lớn ngược dòng Mekong… Việc hợp tác mở tuyến du lịch biển ven vịnh Thái Lan nối Phú Quốc (Việt Nam) - Sihanoukville (Campuchia) - Chanthaburi (Thái Lan) đã được khởi động từ năm 2005, chính thức ký kết từ tháng 11-2007 và được Chính phủ cùng ngành du lịch 3 nước ủng hộ.

Hai lần góp mặt tại Chanthaburi, nơi có 8.000 người Việt, đông nhất Thái Lan đều được nghe ngài Phó tỉnh trưởng nói về tuyến du lịch biển. “Chanthaburi rất vui mừng được đón tiếp đoàn và mong rằng sự hợp tác sẽ ngày càng phát triển, không chỉ trong du lịch mà trên nhiều lĩnh vực khác. Du khách Thái Lan quan tâm đến đảo Phú Quốc, nơi còn giữ được nhiều bãi biển đẹp. Chúng tôi đang đề xuất cho phép đóng tàu biển khai thác tuyến này”. Rõ ràng, nếu ngành du lịch Việt Nam và các tỉnh ven biển Tây Nam bộ không có những quyết sách kịp thời, cơ hội khai thác loại hình du lịch biển sẽ vụt mất, rơi vào tay các nước kế cận.

Kiên Giang từng giới thiệu “vòng cung du lịch” với điểm khởi nguồn từ Phú Quốc, Hà Tiên vươn tới một loạt điểm du lịch nổi tiếng thuộc tiểu vùng sông Mekong (Chanthaburi, Pattaya, Bangkok - Thái Lan; Kep, Kampot, Sihanoukville, KohKong - Campuchia) nhằm tạo ra dòng khách đa chiều. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang từng nhận định khả quan về tuyến du lịch này và cho rằng, nếu mở rộng liên kết với TPHCM và sân bay quốc tế Phú Quốc hoàn thành, ngành “công nghiệp không khói” trong khu vực sẽ có bước ngoặt lớn.

Mekong, con đường liên vận quốc tế

Có rất nhiều thuận lợi để phát triển du lịch biển ven vịnh Thái Lan như cơ chế chính sách, hành lang pháp lý giữa 3 quốc gia; chiến lược phát triển kinh tế biển của Chính phủ, định hướng phát triển du lịch ĐBSCL đến 2020… Air Mekong đã mở đường bay trực tiếp Hà Nội – Phú Quốc, đường hành lang ven biển phía Nam ở ĐBSCL có tổng chiều dài 220km thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau sẽ kết nối với đường hành lang ven biển từ Bangkok (Thái Lan) đến Phnom Penh - cảng Sihanoukville (Campuchia)…

Xu hướng du lịch biển gia tăng trên thế giới, trong đó điểm nhấn là Đông Nam Á với sông Mekong huyền thoại. Lượng khách trao đổi của 3 nước trong vịnh Thái Lan những năm gần đây rất khả quan. Campuchia đã chuyển dịch nhiều tour du lịch từ Thái Lan sang Việt Nam vì việc mở nhiều cửa khẩu biên giới giữa hai nước. Ông Lê Đình Tuấn, Tổng giám đốc Hội đồng quản trị Viet Excursions, nói: “Một tàu du lịch đến Việt Nam cung cấp trung bình gần 100 khách đặt tour đi Campuchia và sau đó trở về Việt Nam để tiếp tục hành trình của họ”. Angkor Wat tại Siem Riep cũng như nơi khác của bạn cũng đang rất hút khách Việt Nam.

Du lịch ĐBSCL: Nặng sông, nhẹ biển ảnh 3

Trên du thuyền sông Hậu.


“Hướng ra biển Tây” đã từng được đề cập từ nhiều năm trước. Năm 2008, Kiên Giang đã khai trương tuyến du lịch đường biển quốc tế Phú Quốc - Sihanoukville đưa tàu du lịch năm sao Jupiter Cruise cao 7 tầng, 400 buồng với tổng sức chứa 1.000 khách vào hoạt động. Cuối năm này, theo đúng cam kết, tàu Hải Âu khởi hành từ Kiên Giang đi theo tuyến, đến tận Chathaburi nhưng sau đó không thể tiếp tục (chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn hàng hải quốc tế). Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy - vận tải Cần Thơ cũng đưa tàu cao tốc Cawaco chạy tuyến Cần Thơ – Phnom Penh… Đến nay tất cả chỉ là hoài niệm, là những bài học quý khi mở tuyến du lịch ven biển Tây.

Có rất nhiều thách thức đối với loại hình này. Ông Huỳnh Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, nói: “Hệ thống cảng biển cùng dịch vụ nối kết tương xứng; đội ngũ nhân lực, tiếp thị tạo nguồn khách phải rất chuyên nghiệp. Đầu tư cho phương tiện du lịch thủy, nhất là du lịch biển rất tốn kém… nên cần sự liên kết rộng trong vùng và quan tâm đầu tư của trung ương, bộ, ngành...”.

Mekong phải là con đường liên vận quốc tế. Hàng triệu đô la mỗi năm từ du lịch biển Tây là điều có thể nếu ta quyết tâm và biết tính toán. Có như vậy du lịch đồng bằng mới thật sự khởi sắc, mới có bước đột phá. Gần đây, Kiên Giang đã tích cực “mở mũi”. Tháng 6-2011 sẽ mở tuyến du lịch biển nối Kép với Hà Tiên. Địa phương này đang gấp rút lựa chọn công ty lữ hành, đơn vị vận tải biển và các thủ tục pháp lý có liên quan.

Về phía tỉnh Kép cũng đang khẩn trương xây dựng và nâng cấp cảng du lịch tại đây từ nguồn kinh phí 1,1 tỷ đồng do Kiên Giang hỗ trợ để sớm đi vào hoạt động. Đồng thời, Kiên Giang còn nghiên cứu mở thêm tuyến du lịch đường biển đến Preak Sihanouk (có gần 120km bờ biển) trong khi bạn còn đề nghị mở cả đường bay thẳng từ đảo Phú Quốc đến tỉnh Preak Sihanouk, Siem Riep và thủ đô Phnom Penh. Đó là những tín hiệu vui

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục