Dự thảo Luật An ninh mạng: Lo chồng chéo luật khác

Thảo luận về dự thảo Luật An ninh mạng tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách chiều 4-4, nhiều ĐBQH đề nghị khắc phục sự chồng chéo giữa luật này với pháp luật hiện hành và dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), nhằm tạo ra công cụ pháp lý đủ mạnh để ứng phó với tội phạm mạng nói chung và tác chiến không gian mạng nói riêng. 

ĐB Trần Thị Dung phát biểu tại phiên họp
ĐB Trần Thị Dung phát biểu tại phiên họp
Theo ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ), phạm vi điều chỉnh của luật khá rộng, có sự chồng chéo với nhiều luật khác (như: Luật Cơ yếu, Luật Công nghệ thông tin…), trong khi lại bỏ sót một số hành vi cần phải cấm. ĐB Nguyễn Thanh Xuân đề xuất bổ sung 2 hành vi: khởi xướng chiến tranh mạng và cố ý gây nhiễu có hại.

Được mời phát biểu về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) cho biết, nhiều nội dung trong dự thảo luật này đã được đưa vào Luật Quốc phòng (sửa đổi) cũng sẽ được trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Theo đó, tác chiến không gian mạng là lĩnh vực do Bộ Quốc phòng chủ trì. Cùng quan điểm với với Thiếu tướng Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh: “Khi xảy ra chiến tranh mạng, Bộ Quốc phòng nhất thiết phải chủ trì, điều phối việc ứng phó và trong đó Bộ Công an là một đầu mối phối hợp. Phải có sự thống nhất đó mới đảm bảo hiệu quả của tác chiến không gian mạng”. 

ĐB Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu: “Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia có sự giao thoa với danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia (cấp độ 5) trong Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM). Nếu không phân định rõ sẽ dẫn đến cùng 1 đối tượng phải chịu quản lý 2 cơ quan nhà nước khác nhau, phức tạp về thủ tục hành chính”.
Do đó, ĐB Trần Thị Dung đề nghị rà soát, chỉnh lý dự thảo luật, tránh trùng lặp với quy định của Luật ATTTM về ứng cứu khẩn cấp, bảo đảm ATTTM quốc gia; bổ sung các quy định về xây dựng phương án ứng phó sự cố an ninh mạng, lực lượng ứng phó, cơ chế ứng phó nhanh… 

Thừa nhận có sự trùng lặp nhất định giữa dự thảo Luật An ninh mạng và Luật ATTTM, song ĐB Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, thành viên của cơ quan thẩm tra cho biết, Luật ATTTM thiên về kỹ thuật mà chưa đáp ứng được yêu cầu về tính đúng đắn và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên mạng. Sự cần thiết xây dựng Luật An ninh mạng vì Luật ATTTM chủ yếu dựng ra tiêu chuẩn, kỹ thuật, còn Luật An ninh mạng khắc phục sự cố, đưa ra phương án giải quyết… 
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) góp ý: Cần có cơ chế giám sát chéo giữa các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, xử lý vi phạm các quy định về an ninh mạng. Nếu chỉ một trong các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng làm từ đầu đến cuối mọi khâu thì có đảm bảo khách quan không?

ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, việc xây dựng Luật An ninh mạng là cần thiết và nên tập trung vào mục tiêu phòng chống tội phạm mạng. “Những vấn đề dân sự, thương mại… như: đảm bảo quyền trẻ em, thì có luật trẻ em điều chỉnh”.
Đồng ý với việc có quy định quản lý dịch vụ mạng được cung cấp bởi doanh nghiệp nước ngoài, song ĐB Lưu Bình Nhưỡng khuyến nghị cân nhắc yêu cầu “lưu trữ thông tin cá nhân” hoặc “cung cấp dữ liệu của người sử dụng tại Việt Nam vì bí mật đời tư là quyền được Hiến định”.

Tin cùng chuyên mục