Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp chiều 15-1, trong khuôn khổ phiên họp thứ 14 của UBTVQH. Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, so với bản đã trình QH tại kỳ họp thứ 4, dự thảo lần này có 206 điều, trong đó bỏ 7 điều, sửa đổi 38 điều, bổ sung mới 23 điều.
Có nên bắt buộc công chứng, chứng thực các giao dịch đất đai?
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu của cơ quan thẩm tra, một vấn đề còn ý kiến khác nhau là việc công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất. Dự thảo luật không bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, song cũng có ý kiến đề nghị quy định các hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất bắt buộc phải được công chứng, chứng thực (các trường hợp khác tùy theo nhu cầu).
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng nghĩa đã xác lập đầy đủ tính pháp lý của việc chuyển quyền sử dụng đất. Do đó, có thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất hay không nên để cho các bên lựa chọn để tạo thuận lợi cho người dân.
Tham gia ý kiến về công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch quyền sử dụng đất, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, trong điều kiện hiểu biết pháp luật của người dân nói chung còn hạn chế, một số loại hợp đồng, giao dịch có tính chất chuyển dịch tài sản quan trọng, nguy cơ rủi ro cao, cần phải bắt buộc công chứng, chứng thực để các công chứng viên giúp kiểm tra tính xác thực và hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; đảm bảo an toàn pháp lý cho dân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành quan điểm này.
Giá đất vẫn vướng mắc!
Về bảng giá đất, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị: UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hàng năm mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%, trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất thì xác định giá đất cụ thể để áp dụng. Loại ý kiến thứ hai đề nghị Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
Các trường hợp còn lại như giao đất, cho thuê đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện việc xác định giá đất cụ thể tại thời điểm thực hiện.
Góp ý về nội dung này, ông Phan Trung Lý bày tỏ quan điểm: “Tôi chưa hài lòng với cả 2 phương án. Phương án 1, vai trò điều chỉnh thị trường của nhà nước rất yếu, vả lại, việc “chạy theo” điều chỉnh giá như thế là không khả thi. Còn phương án 2, 5 năm mới điều chỉnh bảng giá một lần lại là quá dài, cần cân nhắc. Nên chăng quy định bảng giá sử dụng trong 5 năm, nhưng được xem xét lại hàng năm…”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận nhiều điểm chỉnh lý, bổ sung tại dự thảo mới, nhưng vẫn cho rằng dự thảo luật cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng chi tiết hơn nữa, giảm thiểu văn bản hướng dẫn để luật sớm đi vào cuộc sống. Sau khi dự thảo được công bố rộng rãi lấy ý kiến nhân dân; trên cơ sở những ý kiến đóng góp đó, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần tập trung chỉnh lý một lần nữa, trình lại UBTVQH cho ý kiến lần cuối trước khi trình ra QH tại kỳ họp thứ 5. “Tôi đọc nhiều điều trong này chưa biết thực hiện cách gì, nhất là chuyện giá đất, mà cứ làm thì dân người ta không chịu đâu” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở.
Theo dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung xin ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đăng Báo Nhân dân, các trang thông tin điện tử của QH, Chính phủ, Bộ TN-MT, Ủy ban Kinh tế để các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp tiếp cận, nghiên cứu góp ý kiến.
Ở Trung ương, cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến theo khu vực, từng vùng thông qua các hội nghị lấy ý kiến. Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan gửi đến Ủy ban Kinh tế của QH, Bộ TN-MT.
Ở địa phương, Đoàn đại biểu QH, Thường trực HĐND và UBND cấp tỉnh tổ chức thảo luận, lấy ý kiến, xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến về dự án luật gửi đến Ủy ban Kinh tế của QH, Bộ TN-MT. Ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân gửi về Ủy ban Kinh tế của QH, Bộ TN-MT. Ủy ban Kinh tế, Bộ TN-MT có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, nghiên cứu tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự án luật. Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 1-2-2013 và kết thúc vào ngày 31-3.
| |
Anh Thư