Có khá nhiều điều không bình thường đang diễn ra ở đội bóng Sài Gòn FC, bắt đầu từ việc sa thải HLV Lư Đình Tuấn cách đây vài ngày, sau đó, ông bầu quyết định đổi tên đội bóng trở lại tên cũ là Sài Gòn Xuân Thành.
CLB là sở hữu tư nhân nên ông chủ có toàn quyền thay đổi từ tên gọi đến nhân sự, lẽ ra mọi chuyện cũng chẳng có gì đáng nói nếu như ông bầu của đội này không lên báo than thở là ông chỉ làm đội bóng cho vui, phục vụ người hâm mộ ở TPHCM chứ chẳng có lợi lộc gì. Nói như vậy là thiếu sòng phẳng và không rõ ràng.
Bóng đá là một lĩnh vực đầu tư mà tiền chỉ có đi ra, không có thu. Cái lợi của bóng đá chính là việc làm thương hiệu cho doanh nghiệp đầu tư. Bất kỳ ai làm bóng đá cũng biết và cũng chưa có ông bầu nào tuyên bố “làm bóng đá để phục vụ người hâm mộ”. Nói như vậy chẳng khác nào nói đùa.
Nguồn gốc của đội Sài Gòn FC là đội bóng đá ở giải hạng nhì, Xuân Thành Hà Tĩnh. Sau khi không đủ năng lực để thăng hạng, ông bầu của đội này mua suất đá hạng nhất của đội Hà Nội rồi chuyển đội bóng từ Hà Tĩnh vào TPHCM đổi tên thành Sài Gòn Xuân Thành.
Đội bóng này không hề có trụ sở tại TPHCM, không có sân tập riêng, không có các tuyến trẻ theo quy định của bóng đá chuyên nghiệp. Hồi đầu năm, sau khi thăng hạng V-League, đội đổi tên là Sài Gòn FC và bán cho một nhà đầu tư khác nhưng việc này bị đổ bể giữa chừng. Nay có vẻ không bán được nên mới đổi tên lần nữa.
Cả một quá trình phát triển CLB như vậy chỉ diễn ra trong vòng có 3 năm. Với thời gian như vậy, không ai có thể nói đây là một cách đầu tư nghiêm túc, căn cơ cho bóng đá. Nói cách khác, mục đích làm bóng đá của ông “bầu” đội này không ổn, có tính chất “lướt sóng” tìm kiếm lợi nhuận hơn là theo đuổi sự phát triển của một CLB chuyên nghiệp.
Tất nhiên, những gì mà đội bóng này đã làm không có gì sai trái, nhưng không thể vì thế mà có quyền tuyên bố “đầu tư chỉ để phục vụ người hâm mộ”. Bóng đá TPHCM có lúc đã xuống đến đáy, có nguy cơ biến thành vùng trắng. Hai năm gần đây, ngoài đội Navibank Sài Gòn có thêm Sài Gòn FC, cũng là một cơ hội để quay lại thời hoàng kim không lâu trước đây. Tuy nhiên, bất kỳ người hâm mộ chân chính nào cũng mong muốn các đội bóng đại diện cho thành phố phải có sự ổn định chắc chắn, có nền tảng vững vàng chứ không đơn thuần chỉ mang tên địa phương rồi muốn làm gì thì làm. Nói đâu xa, dù đội hạng nhất CLB TPHCM (tiền thân là đội Cảng Sài Gòn) đang gặp vô vàn khó khăn về tài chính nhưng người hâm mộ vẫn hết lòng ủng hộ. “Tiếng lành đồn xa”, ngày hôm nay đội sẽ tiếp nhận gói tài trợ từ ngân hàng Sacombank để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Điều này chứng minh, nếu làm bóng đá một cách tử tế, có tâm huyết thì vẫn có thể tồn tại đường hoàng.
Bóng đá cũng chỉ là một môn giải trí, mang tính phục vụ khán giả nhưng có sức quảng bá cực kỳ rộng rãi. Phải chăng vì điều đó mà gần đây, rất nhiều người đã lợi dụng tiêu chí “phục vụ người hâm mộ” để ngụy biện cho các mục đích khác trong vấn đề truyền hình, đến chuyện đổi tên đội bóng. Đầu tư vào bóng đá là để thông qua sự hấp dẫn của nó mà nhận lại những lợi ích khác. Đấy là điều sòng phẳng, rõ ràng, đã được chứng minh qua trường hợp thành công của HA.GL, ĐT.LA hay HN T&T, Bình Dương… Thế nên, không thể chấp nhận việc dùng bóng đá để mặc cả những việc khác rồi đến khi không được lại than thở mình bị thiệt hại chỉ vì để “phục vụ khán giả”.
Nhân đây cũng thấy rằng các quy định về đầu tư bóng đá vẫn còn quá lỏng lẻo, dễ dãi tạo điều kiện cho những nhà đầu tư thích sự ngắn hạn. Họ lợi dụng bóng đá để tìm kiếm danh vị, cơ chế đất đai và khi xong việc lại bỏ bóng đá ngay lập tức. Làm như vậy chỉ gây hại cho cả nền bóng đá, như một kiểu đùa dai quá trớn của những người lắm tiền.
Việt Quang