Việc dìm và lắp đặt đốt hầm số 1 hầm dẫn phía Thủ Thiêm mới chỉ là thành công bước đầu, phía trước còn 3 đốt hầm nữa. Hiện nhà thầu, đơn vị tư vấn tiếp tục công đoạn kiểm tra và tiến hành triển khai công tác tiếp theo để tiến hành lắp đặt các đốt còn lại.
Đúng kế hoạch, 23 giờ đêm ngày 8-3 đốt hầm đã được lắp vào đúng vị trí định sẵn cách mặt nước 24m. Trong thời gian này, đơn vị thi công tiếp tục bơm thêm nước vào các bồn chứa trong đốt hầm để chống lại lực đẩy Archimedes (đốt hầm không bị nổi lên).
Để dìm đốt hầm xuống đáy sông, trước đó nhà thầu đã nạo vét đáy sông xuống âm 12m (tức cách mặt nước khoảng 24m). Kỹ sư Nguyễn Ngọc Huyên, phụ trách công trình cho biết, để hầm nằm ổn định tại vị trí đáy sông nhà thầu đã bơm vào bên trong đốt hầm một lượng bê tông dày khoảng 50cm (lượng bê tông sau này là mặt đường hầm). Tiếp đó, nhà thầu dùng vật liệu cát chèn hai bên thành hầm và trên nóc hầm gia cố một lớp bảo vệ bằng đá, cát và bê tông dày 3m.
Việc kết nối được thực hiện bằng cách căng cáp giữa một đầu đốt hầm và đầu đường hầm dẫn, sau đó tiến hành đổ bê tông và phía bên ngoài được bảo vệ bằng một lớp ron cao su chống thấm đặc biệt.
Sáng 9-3, đội ngũ kỹ sư, công nhân nhà thầu Obayashi đã khẩn trương hoàn tất các công đoạn cuối cùng của việc dìm đốt hầm đầu tiên bên phía đường hầm Thủ Thiêm quận 2. Lúc 7 giờ sáng, trên miệng bờ hầm Thủ Thiêm, hàng chục công nhân tiến hành tháo rùa neo, hệ thống tời (dùng để kéo đốt hầm vào hướng miệng hầm), cọc neo và thu dọn các thiết bị máy móc khác. Cùng thời gian này, hàng chục công nhân khác tiến hành tháo trụ tháp.
Đến 11 giờ cùng ngày, công đoạn bịt lối ra vào bên trên mái hầm (tức lỗ trụ tháp trước đó dùng để cho công nhân lên xuống vào bên trong đốt hầm kiểm tra các quy trình kỹ thuật trong thời gian dìm và nối ráp vào miệng cửa hầm) hoàn tất. Sau khi tháo xong các trụ tháp, đơn vị thi công thực hiện công đoạn bơm cát dưới đáy và trên mặt đốt hầm để giữ cố định an toàn tuyệt đối.
Trước thời gian bơm cát, đội ngũ thợ lặn (cả người Việt Nam và nước ngoài) tiến hành kiểm tra rà soát lần cuối các vị trí đặt đốt hầm dưới nước (gồm có 3 trụ đỡ đốt hầm ở phía ngoài sông) cũng như thực hiện một số công việc phụ như làm sạch rác, chướng ngại vật xung quanh đốt hầm.
Chiều cùng ngày, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA đại lộ Đông Tây cho biết, công tác dìm và lắp đặt đốt hầm số 1 đã được đưa vào đúng vị trí thiết kế và kết nối an toàn với hầm dẫn phía Thủ Thiêm đúng theo kế hoạch. Hiện nhà thầu, tư vấn tiếp tục công đoạn kiểm tra và tiến hành triển khai công tác tiếp theo để tiến hành lắp đặt các đốt còn lại.
Hôm nay 10-3, Ban quản lý, nhà thầu báo cáo kết quả thực hiện công tác lai dắt và lắp đặt nối thông đốt hầm đầu tiên trước Chính phủ và TPHCM.
Giá đất quận 2 tăng thêm 1-3 triệu đồng/m² Từ khi thông tin dìm hầm Thủ Thiêm xuất hiện trên mặt báo thì hầu hết sàn giao dịch nhà đất dọc trên đường Lương Định Của, Trần Não quận 2, rất đông người dân đến dò hỏi giá đất đai tại khu vực này. Tuy nhiên, thống kê sơ bộ tại các sàn cho thấy, người tìm hiểu thị trường đông nhưng giao dịch mua bán thì khá ít. Chính vì lượng người đến nhiều nên các điểm giao dịch đồng loạt “hét” giá nhà đất dự án và trong khu dân cư tăng lên vài trăm ngàn đến 2 triệu đồng/m². Không chỉ quận 2 mà ngay các dự án thuộc quận 9 cũng tăng giá. Anh Lê Xuân Huân, chuyên viên tư vấn sàn giao dịch địa ốc Minh Phương cho biết, giá đất thuộc các dự án khu 174ha và 143ha phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 đã tăng thêm từ 1 - 3 triệu đồng/m². Tại dự án của Công ty Trung Tiến trước đây có chủ rao bán giá 13 triệu đồng/m² nền đất, nay “hét” lên 15 - 16 triệu đồng/m². Ông Bùi Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Sacomreal cho biết, nếu so với trước tết, giá đất dự án đã nhích lên gần 20%. “Nói chung, nếu có tiền thì mua, chứ giá đất quận 2 sẽ không giảm được nữa. Bởi khi hệ thống cầu đường nối sang quận 1 hoàn tất, chắc chắn giá đất ở đây sẽ cao hơn nhiều”, ông Bùi Tiến Thắng nhận định. |
Quốc Hùng - Lương Thiện