Hệ lụy là điện sản xuất ra nhiều nhưng không bán được, giá đất đền bù bị đẩy lên quá cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những dự án tương tự sau này.
Bất chấp để hoàn thành
Hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đang có tốc độ phát triển điện gió, ĐMT lớn nhất nước. Tính cuối tháng 6-2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và ĐMT, với tổng công suất đặt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có 42 nhà máy điện gió, ĐMT, với tổng công suất lắp đặt trên 2.000MW.
Khác với các tỉnh thành khác chỉ được hưởng giá ưu đãi ĐMT đến hết tháng 6-2019, tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ cho phép hưởng chính sách ưu đãi này đến hết năm 2020 nên cuộc đua phát triển loại năng lượng tái tạo này vẫn đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Mặc dù biết hệ thống truyền tải điện đang gặp khó khăn, nhưng để chạy đua về đích đúng thời hạn, hàng loạt nhà máy ĐMT ở tỉnh Ninh Thuận lần lượt ra đời dù hiện chủ đầu tư không biết bán điện bằng cách nào. Theo thống kê của UBND tỉnh này, chỉ trong vòng hơn một năm qua, địa phương đã có 3 dự án điện gió, 15 dự án ĐMT được đưa vào vận hành, với tổng công suất trên 1.000MW. Trước sự phát triển “không phanh” của các dự án năng lượng tái tạo, lượng điện sản xuất ra không có đường truyền tải đang khiến 10/18 dự án phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất (215MW) để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải. Trước tình hình này, ông Lưu Xuân Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo phê duyệt dự án nhà máy ĐMT kết hợp hệ thống hạ tầng truyền tải 500kV nhằm giải phóng công suất điện đang dư trên địa bàn.
Nhiều vướng mắc
Việc nhiều nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo bằng mọi giá, phải đền bù đất đai để kịp triển khai dự án hưởng chính sách ưu đãi đang khiến ngành chức năng địa phương đau đầu.
Không chỉ việc đất đai bị “phá giá”, sự phát triển ồ ạt các dự án năng lượng tái tạo đang khiến tỉnh Bình Thuận, nơi được xem là đầu mối tiếp nhận điện của các tỉnh Nam Trung bộ sau đó truyền tải về khu vực phía Nam, chịu nhiều áp lực. Đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Thuận phân tích, hiện tại, việc các dự án này đang phải cắt giảm công suất vì không có đường truyền tải, đó là điều đã được cảnh báo từ trước. Trước khi xin triển khai dự án, các nhà đầu tư đều biết hệ thống truyền tải ở Bình Thuận quá tải, nhưng để được hưởng chính sách ưu đãi, họ chấp nhận đầu tư và sẵn sàng ký cam kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho dù có giảm công suất bao nhiêu phần trăm. Do vậy, những nhà đầu tư ĐMT ở tỉnh Bình Thuận tham gia thị trường từ tháng 6-2019 trở về trước thì không khiếu nại về việc phải cắt giảm công suất. Còn những chủ đầu tư khiếu nại đa phần là những dự án điện gió đã đóng điện, hoạt động ổn định từ nhiều năm trước. Cùng với đó, những chủ đầu tư ĐMT đang chuẩn bị thi công ở tỉnh Ninh Thuận thì bị kẹt đường truyền tải.
“Về cơ bản, nếu Bình Thuận không bị gánh các dự án ĐMT của Ninh Thuận và cả tỉnh Khánh Hòa thì đường truyền tải của địa phương là đủ. Nhưng do Ninh Thuận không tiêu thụ hết điện sản xuất ra, nên họ phải đưa qua Bình Thuận, rồi từ đây mới truyền tải cung cấp cho các tỉnh thành phía Nam. Trong khi lưới điện ở Bình Thuận vốn đã bị quá tải, giờ lại thêm các dự án ĐMT từ nơi khác đổ dồn về, lưới diện không chịu nổi là điều tất nhiên. Bình Thuận đang là một nút quá tải của 3 tỉnh”, ông Dương Tấn Long cho biết.
UBND tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã nhiều lần kiến nghị lên Thủ tướng cùng các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng gỡ “nút thắt” về đường truyền tải điện. Tuy nhiên đến nay, công tác triển khai vẫn còn rất chậm gây lãng phí nguồn tài nguyên.