Ngày 4-1, tại TPHCM, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII tổ chức Hội nghị lần thứ 13.
Tham dự có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, nhân dân và cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng khá, thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng chỉ rõ, nhân dân và cử tri vẫn lo lắng về một số vấn đề như: nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, năng suất lao động chưa cao; nợ công cao; phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của Doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát; số lượng doanh nghiệp thành lập mới khá cao nhưng năng lực cạnh tranh thấp; nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp; tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi…
Chương trình điểm nhấn trong hoạt động của MTTQ Việt Nam khóa VIII là phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Khẳng định quyết tâm tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Chương trình hành động về lĩnh vực này. Dự thảo chương trình đã nhận được sự quan tâm, góp ý sôi nổi của các đại biểu.
Theo đó, MTTQ Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí.
MTTQ Việt Nam cũng xác định giám sát và phản biện xã hội là những công cụ quan trọng. MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng, tổ chức kế hoạch giám sát và phản biện xã hội hàng năm, phát huy việc triển khai các hoạt động giám sát đột xuất để góp phần phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, lãng phí.
MTTQ Việt Nam cũng giám sát thực hiện các hình thức công khai, minh bạch, dân chủ ở cơ sở; giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và việc sách nhiễu với nhân dân.
Để phòng chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả, MTTQ Việt Nam xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí. Trên cơ sở tiếp nhận các ý kiến của người dân, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ phân tích, phản ánh, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền; theo dõi, giám sát quá trình giải quyết và công khai kết quả giải quyết để nhân dân biết, tin tưởng.
MTTQ Việt Nam các cấp cũng cụ thể hóa giám sát của người dân, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú, khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh trong thu nhập, tài sản, nhà đất bất minh…
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam các cấp chủ động, phối hợp với các cơ quan báo chí trong đấu tranh với tham nhũng, lãng phí.
Cho ý kiến về chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020, ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý, phải dựa vào dân để chống tham nhũng, lãng phí, chứ “chỉ chống với nhau thì không ăn thua”.