Đưa xơ mướp Việt xuất ngoại

Từ bỏ công việc tại một ngân hàng quốc tế với mức lương gần 100 triệu đồng/tháng, anh Tạ Quý Tôn (ở thôn Kim Tháp, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã “về vườn” để khởi nghiệp với... quả mướp. Đến nay, sản phẩm xơ mướp của anh đã có mặt tại nhiều khách sạn lớn trên thế giới.

Viết lại số phận cho quả mướp

Năm 2019, anh Tôn thành lập công ty và thuê lại 2ha đất mà trước kia người dân trong xã bỏ hoang để trồng mướp. Sau đó, anh chia thành 6 khu vực trồng để phân loại giống và chọn lọc giống phù hợp giữa hàng trăm giống mướp. Phải mất đến 4 vụ anh mới lựa chọn được 4 loại giống đáp ứng 3 tiêu chí: năng suất, chất lượng quả non và chất lượng xơ. Đó là 2 giống mướp của Nam Mỹ, 1 của Mỹ và 1 của Việt Nam. “Đầu tư nông nghiệp là đầu tư dài hạn nên tôi xác định phải mất vài năm và đổ nhiều vốn mới có thể bắt đầu cho lợi nhuận”, anh Tôn tâm sự.

Anh Tạ Quý Tôn

Anh Tạ Quý Tôn

Ngoài đánh giá chất lượng giống mướp, anh Tôn còn phải xác định thời điểm thu hoạch thích hợp. “Thu hoạch mướp sớm tuy được sợi xơ trắng nhưng sợi không bền, còn thu hoạch khi già quá thì màu xơ không đẹp và cứng. Tôi đã mất nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm mới chọn được thời điểm thu hoạch hợp lý”, anh Tôn bật mí. Tuy trồng mướp không phải lấy quả làm thực phẩm nhưng anh cũng nói không với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; thay vào đó, anh Tôn trồng theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP). Tuy nhiên, năng suất vẫn đạt tới 60.000 quả/ha.

Xưởng gia công và sản xuất xơ mướp tạo việc làm cho người lao động địa phương

Xưởng gia công và sản xuất xơ mướp tạo việc làm cho người lao động địa phương

Theo anh Tôn, quả mướp sau khi thu hoạch sẽ được đưa về ngâm nước để loại bớt nhựa và bóc tách lớp vỏ. Sau đó chuyển sang bể ngâm xơ để loại bỏ phần thịt, tiếp đến chuyển sang bể giặt xơ, công nhân sẽ đập xơ loại bỏ nhớt, hạt. Có được nguyên liệu tốt, anh Tôn đầu tư các loại máy chuyên dụng như máy may, máy ép, máy cắt xơ mướp để tạo ra các sản phẩm như: bông tắm, miếng lót giày, miếng rửa bát... Trong quá trình sản xuất, anh đều làm theo phương pháp thủ công, không sử dụng chất làm trắng hay bất kỳ chất bảo quản nào.

Từ những gợi ý ban đầu của khách hàng, đến nay, anh Tôn đã sở hữu gần 20 dòng sản phẩm làm từ xơ mướp được chia thành 4 bộ, gồm: bộ sản phẩm nhà bếp, bộ sản phẩm nhà tắm, bộ sản phẩm cá nhân và bộ sản phẩm cho nhà hàng, khách sạn.

Chắp cánh sang trời Tây

Từng có 2 năm học thạc sĩ (ngành tài chính ngân hàng) và 4 năm làm việc tại Australia, anh Tạ Quý Tôn nắm bắt khá rõ nhu cầu thị trường xơ mướp ở nước bạn, đặc biệt để phục vụ cho chuỗi khách sạn, nhà hàng cao cấp. Trong thời gian ở nước bạn, anh Tôn từng tham gia nhiều hội chợ nông nghiệp nên dễ dàng tìm hiểu và kết nối được một số đầu mối tiêu thụ sản phẩm từ xơ mướp.

Chính vì vậy, những sản phẩm xơ mướp đầu tiên làm ra, anh Tôn mạnh dạn đưa đến thị trường Australia. Nếu một xơ mướp ở Việt Nam giá chỉ vài ngàn đồng để làm miếng rửa bát thì xơ mướp xuất ngoại có giá từ 4-9 USD/sản phẩm. Sản phẩm không chỉ nhanh chóng chiếm được thị trường mà còn liên tục “cháy hàng”.

Không dừng lại, anh Tôn tích cực kết nối với các chuỗi nhà hàng, khách sạn lớn, công ty phân phối sản phẩm xơ mướp ở Mỹ, Nhật Bản, một số nước châu Âu, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử quốc tế để mở rộng thị trường. Trung bình, mỗi tháng anh Tôn xuất khẩu 3-5 đơn hàng sang thị trường nước ngoài, trị giá từ 30.000-40.000 USD.

Để đảm bảo được nguồn hàng cung ứng, anh Tôn đã mở rộng vùng nguyên liệu mướp tại các huyện Lương Tài, Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) và một số tỉnh khác như Hải Dương, Nam Định, Hà Giang... với tổng diện tích gần 100ha. “Tôi đang tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu mướp tại Tây Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa... diện tích dự kiến khoảng 300ha để phục vụ nhu cầu thị trường xuất khẩu khoảng 300.000-400.000 sản phẩm/tháng. Tôi tâm niệm, một sản phẩm xơ mướp được sử dụng sẽ bớt đi một sản phẩm bằng nhựa, từ đó góp phần giảm rác thải nhựa ra môi trường”, anh Tôn tâm sự.

Hiện công ty của anh Tôn có gần 20 lao động, chủ yếu là nông dân địa phương. Ngoài ra, anh còn liên kết với gần 200 hộ dân ở nhiều tỉnh để trồng mướp lấy xơ và nhận bao tiêu sản phẩm. Ngoài hướng đến giá trị kinh tế từ xơ mướp và tạo ra nhiều việc làm cho người nông dân, điều khiến anh Tôn bền bỉ với cây mướp chính là ý nghĩa văn hóa, một loài cây gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam. “Tôi muốn đưa một sản phẩm tuy nhỏ bé nhưng mang nhiều ý nghĩa văn hóa của người Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới”, anh Tạ Quý Tôn bày tỏ.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: “Anh Tôn là người có kiến thức, bản lĩnh và đam mê với cây mướp. Nhận thấy thị trường nước ngoài tiềm năng, anh Tôn đã nâng tầm xơ mướp - một sản phẩm thân thiện với môi trường, gần gũi với con người Việt Nam mà trước đây người dân chỉ để làm miếng rửa bát hoặc bỏ đi. Sản phẩm từ xơ mướp của anh Tôn khá đa dạng, chất lượng tốt và rất được ưa chuộng tại các nước trên thế giới. Tinh thần khởi nghiệp của anh đã lan tỏa và truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ làm theo, đồng thời còn giúp giải quyết được việc làm cho không ít người dân trong và ngoài tỉnh”.

Anh Tạ Quý Tôn sinh năm 1983, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ánh Dương Kinh Bắc, cho biết, doanh thu hiện nay của công ty đạt khoảng 300.000-400.000 USD/năm. Mới đây, 3 sản phẩm của anh Tôn gồm: bông tắm xơ mướp, lót giày xơ mướp và miếng rửa bát xơ mướp đã được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2022 khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục