Sự cứng rắn từ Đông Âu
Tuyên bố chung yêu cầu duy trì chính sách cứng rắn với Nga có được sau cuộc tranh luận kéo dài rất gay go của 27 nguyên thủ EU. Kết quả này đi ngược đề xuất ban đầu của Đức và Pháp tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh với Nga. Ba Lan và các nước Baltic đưa ra lập trường cứng rắn với Nga và họ đã đạt được mục đích. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, những người thường có ảnh hưởng lớn nhất trong các cuộc thảo luận của EU, lần này xem như đã thất bại.
Thay vì tán thành ý tưởng do Đức và Pháp đề xuất trong tuyên bố chung mà lẽ ra sẽ thuận theo hướng “hội nghị thượng đỉnh EU - Nga”, tương tự như hội nghị giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva vào tuần trước, Hội đồng châu Âu đã thông qua một tuyên bố tập trung vào các kỳ vọng cho quan hệ EU - Nga. Theo đó, EU đặt ra các yêu cầu đối với Nga, xem đó là điều kiện tiên quyết cho sự can dự ngoại giao mới. Hội đồng châu Âu cũng nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt kinh tế mới tùy thuộc vào các bước đi sắp tới của Moscow. Tuyến bố viết: “Hội đồng châu Âu mong đợi lãnh đạo Nga thể hiện cam kết chính trị mang tính xây dựng hơn, đồng thời ngăn chặn các hành động chống lại EU và các nước thành viên cũng như chống lại các nước thứ ba”.
Hội đồng châu Âu yêu cầu Nga “hoàn toàn chịu trách nhiệm” trong việc đảm bảo thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk 2 nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine và có “trách nhiệm giải trình” trong vụ máy bay chở khách của Malaysia bị bắn rơi tại miền Đông Ukriane vào năm 2014 bằng một tên lửa của Nga.
Chia rẽ trong EU
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trước các phóng viên sau cuộc họp kéo dài quá nửa đêm ở Brussels (Bỉ), đã thừa nhận thất bại trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU - Nga. Bà Merkel cũng ngụ ý các nhà lãnh đạo khác không đủ can đảm để ủng hộ đề xuất cho hội nghị thượng đỉnh này. Truyền hình Đức DW dẫn lời bà Merkel: “Cá nhân tôi mong muốn có bước đi can đảm hơn nhưng kết quả này cũng không sao và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc”.
Kết quả đánh dấu chiến thắng của các quốc gia dọc biên giới Nga trước Đức và Pháp, nhưng điều này phần nào làm nổi lên sự chia rẽ trong EU. Một dấu hiệu nữa cho thấy cuộc tranh luận về Nga đã rất nặng nề khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hủy một cuộc họp báo dự kiến vào đêm muộn với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Theo Politico, nỗ lực bất ngờ của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thúc đẩy cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với Nga chỉ một ngày trước cuộc họp đã khiến các nhà lãnh đạo khác trong EU nổi giận. Những người này cho rằng không có lý do gì để giảm bớt bất kỳ áp lực ngoại giao nào đối với Moscow.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel trong bài phát biểu trước hạ viện nước này vào sáng 24-6 cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin thì không có lý do gì các nhà lãnh đạo EU không làm như vậy. Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, một trong những người phản đối mạnh mẽ thượng đỉnh EU - Nga mô tả cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo EU rất khó khăn, và rằng ông thấy thiếu thuyết phục về việc EU nên thay đổi lập trường cứng rắn đối với Moscow. Một số lãnh đạo khác của Đông Âu chỉ trích kế hoạch của Đức - Pháp, đồng thời đánh giá bà Merkel và ông Macron đã quá vội vàng thay vì chờ xem liệu ông Putin có phản ứng tích cực với các đề xuất hợp tác của ông Biden trong một số lĩnh vực hay không.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 25-6 nhận xét EU là con tin của một nhóm thiểu số hiếu chiến, sau khi các nhà lãnh đạo EU không nhất trí với đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin. (RIA) |