Một phụ huynh kể lại câu chuyện buồn về bệnh thành tích trong ngành giáo dục hiện nay và bức bối vì cách dạy học trò thiếu trung thực của một giáo viên. Thấy con mình ôn bài và trả lời sai câu hỏi so với nội dung, kiến thức của bài học, phụ huynh này thắc mắc: “Tại sao con trả lời kỳ cục và sai bét vậy?”. Người con trả lời: “Lớp con chuẩn bị có tiết thao giảng, dự giờ và cô giáo chỉ định con sẽ giơ tay trả lời câu hỏi do cô đặt ra. Con phải trả lời sai lần thứ nhất đến lần thứ ba để cô giảng giải lại và chỉnh sửa theo đúng nội dung, kiến thức bài học”. Đây chính là cách gián tiếp dạy học trò nói dối và điều gì sẽ lưu giữ trong đầu các em về hình ảnh của thầy cô?
Tương tự, một phụ huynh có con học lớp 7 cũng lắc đầu khi nghe con thuật lại câu chuyện lớp của cháu được tập dượt kỹ lưỡng trước tiết dự giờ của tổ bộ môn. Các em được tập kịch bản trả lời câu hỏi của giáo viên đưa ra và trao đổi tình huống mở rộng thêm kiến thức ngoài bài giảng. Cháu kể rằng, ngày thường cô hay lên giọng chê bai học sinh lười học, hay nói chuyện trong lớp, thậm chí gọi học trò là các anh, các chị…, vậy mà đến tiết dự giờ thì cô nhẹ nhàng, thân thiện, gọi học sinh là các con, tỏ ra rất quan tâm, chia sẻ. Việc cô giáo chủ nhiệm thay đổi thái độ lẫn cách ứng xử thân thiện trong tiết dự giờ khiến học sinh rỉ tai nhau: “Cô H. đóng kịch giỏi thật!”. Khi đã không tin thầy cô giáo chủ nhiệm thì các em sẽ có phản ứng ngầm hoặc không nghe lời hoặc tìm cách đối phó. Như thế, khoảng cách thầy trò ngày càng xa, thậm chí nó cũng có thể biến thành hành vi thiếu chuẩn mực ở lứa tuổi thích phản kháng, thích làm trái ý người lớn.
Chúng ta đang dạy học sinh phải sống trung thực, thật thà và lên án hành vi dối trá, gian lận, nhưng ngay ở môi trường học đường, bệnh thành tích, cách ứng xử thiếu chuẩn mực, kỹ năng sư phạm của một bộ phận nhỏ giáo viên đang gây hiệu ứng ngược, khiến niềm tin của các em bị mai một. Như thế dù có dạy các em bao nhiêu điều tốt, ý hay nó cũng thành đổ sông đổ biển.
Để hoạt động giáo dục tốt hơn và chất lượng giảng dạy đạt hiệu quả hơn thì việc dự giờ, tiết thao giảng phải đúng thực chất - thực dạy, thực học - chứ không thể mang tính đối phó hay chạy theo thành tích như nêu trên. Đừng vì cái mác dạy giỏi hay chạy theo phong trào thi đua thiếu thực chất mà chúng ta lại gieo vào đầu học trò sự gian dối, thiếu trung thực ở ngay môi trường có tính giáo dục cao nhất.
HOÀNG THÔNG