Quy hoạch chống ngập do triều cường và lũ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đang được TPHCM nghiên cứu triển khai. Chưa biết quy hoạch này sẽ đi vào đời sống như thế nào nhưng nhiều nhà khoa học TPHCM đang tỏ ra băn khoăn về những nguyên tắc chung của quy hoạch. Đó là làm đê bao gần như toàn bộ thành phố để chống nước triều dâng và ngăn lũ từ xa tới.
Tiến sĩ Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Môi trường thuộc Đại học Công nghiệp TPHCM, phân tích triều cường tại TPHCM là triều… “lành”, nghĩa là từ từ lên và từ từ rút. Trước kia khi sông, kênh rạch còn chưa bị lấn chiếm, bị bồi lắng và các vùng trũng còn trống thì nước triều dâng lên và đổ dồn vào đấy, rất ít khi gây hại cho cuộc sống người dân. Nay cùng với sự gia tăng của các khu vực đã bị đô thị hóa và tình trạng sông, kênh rạch bị lấn chiếm, bị bồi lắng, triều cường ngày càng… dữ dằn hơn, phá bể bờ bao, đẩy nước tràn lên miệng cống. Nếu như bây giờ xây dựng thêm đê và bờ bao, bao trọn thành phố, rất có thể chúng ta sẽ làm cho triều cường ngày càng hung dữ hơn. Đó chưa kể đến tình huống sông, kênh, rạch bị bao lại sẽ có nguy cơ trở thành “ao tù, nước đọng” gây ô nhiễm môi trường và thành phố sẽ phải tốn thêm tiền nạo vét, khơi dòng như đã xảy ra ở khu vực đập ngăn triều Bình Triệu, Bình Lợi, Cầu Bông… Khu vực này, sau khi có đập đã có lúc muỗi xuất hiện nhiều vô kể và thành phố đã phải yêu cầu ngành thoát nước nạo vét cho thông thoáng. Quan điểm của tiến sĩ Lê Huy Bá, nên thích ứng với tự nhiên, quản lý và phát triển đô thị trên cơ sở tôn trọng tự nhiên.
Ở góc độ một nhà quản lý về môi trường, thạc sĩ Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cũng băn khoăn hầu hết sông, kênh, rạch của thành phố đang bị ô nhiễm nặng nề. Khi triều dâng lên và rút đi, ít nhiều sẽ giúp cho sông, kênh, rạch tự làm sạch, bây giờ ngăn triều lại và kiểm soát bằng hệ thống cống, tính ích lợi này có được như xưa?
Thạc sĩ Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, cho rằng có thể khắc phục tình trạng này bằng cách: khi cần có thể mở cống ngăn triều ở khu vực cao, cho xả mạnh xuống. Lực của nước triều trong lúc này chắc chắn mạnh hơn lúc bình thường và như vậy sẽ có tác động trôi, rửa ô nhiễm trên sông, kênh, rạch tốt hơn.
Tuy nhiên, tiến sĩ Hồ Long Phi cho rằng, đó mới là… lý thuyết. Từ đó đến thực tế còn một khoảng xa và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, chất lượng công trình và khả năng điều phối của các chuyên gia. Điều này có nghĩa, giải pháp ấy có nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường và thời tiết thì đỏng đảnh. Không lẽ lúc đó cứ liên tục nâng đê, nâng bờ bao để đối phó với nước biển dâng? Quan điểm của tiến sĩ Hồ Long Phi, nên hài hòa các giải pháp công trình với các giải pháp thích ứng với tự nhiên.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Phước cũng đồng quan điểm như vậy khi cho rằng, có những khu vực như trung tâm và một số vùng nội, ngoại ô khác của thành phố cần được bảo vệ nghiêm ngặt trước tình trạng nước ngập bằng các giải pháp công trình như làm đê, bờ bao hoặc đặt phay, cống ngăn triều. Thế nhưng, cũng có những khu vực cần thích ứng với tự nhiên. Cuộc sống người dân trong các khu vực này cần được tổ chức lại theo hướng ấy. Đây mới chính là hướng phát triển bền vững.
Ở góc độ giao thông, nhiều cán bộ ở Sở GTVT băn khoăn, nếu xây đê bao thành phố thì giao thông thủy sẽ hoạt động như thế nào? Khả năng đặt cống có thể mở ra đóng vào cho tàu, thuyền đi lại cũng đã được những người lập quy hoạch chống ngập do lũ và triều cường cho thành phố tính tới nhưng có hiệu quả như mong muốn khi mà số lượng tàu, bè hoạt động ở TPHCM rất nhiều với sức chở ngày càng lớn?
Tiến sĩ Hồ Long Phi nhận định, có thể nhiều năm nữa nước biển dâng cao TPHCM sẽ phải làm đê bao lại, nhưng với tình hình hiện tại, khi mà mực nước biển còn dâng chưa đáng kể thì nên tập trung sức cho việc làm thông thoáng sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố, trả lại một phần đất cho… nước. Đừng biến triều “lành” thành triều “dữ” nhất là khi chi phí làm đê bao rất tốn kém và chưa là bài toán khả thi nhất về kinh tế trong thời điểm hiện nay.
TPHCM chuẩn bị xây dựng hệ thống cống kiểm soát triều cùng với tuyến đê bao khép kín. Theo kế hoạch, sẽ có 12 cống kiểm soát triều tại cửa các sông, kênh, rạch cùng tuyến đê bao dài khoảng 172km từ Bến Súc (Củ Chi) đến giáp ranh với tỉnh Long An. Riêng khu vực trung tâm TP sẽ có 7 cống kiểm soát triều được xây dựng tại các cửa sông, kênh, rạch, gồm: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sông Kinh, kênh Tẻ (Tân Thuận), sông Phú Xuân, sông Vàm Thuật, rạch Tra, rạch Bến Nghé, cùng với đoạn đê bao dài 44km bờ hữu sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến kinh Lộ. |
An Nhiên