Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 học sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK với 32 cuốn sách của 3 nhà xuất bản biên soạn. Tuy nhiên, mới học chưa tới 1 tháng, nhiều phụ huynh, giáo viên đã “than” nội dung SGK nặng, sách quá nhiều chữ, khó hiểu, thiết kế các bài học với tốc độ nhanh khiến học sinh không thể tiếp thu, việc dạy và học của cô, trò rất vất vả, nhất là môn Tiếng Việt.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, mục tiêu chính của chương trình Tiếng Việt lớp 1 từ xưa đến nay vẫn là dạy học sinh biết đọc, biết viết. Muốn thế thì theo chương trình nào cũng phải học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Chương trình mới không thêm chữ nào, vần nào vào tiếng Việt nên không thể nói rằng nặng hơn chương trình cũ.
Theo quy định, thời gian học đọc là 60%, viết chỉ 25%, còn lại là dành cho việc rèn các kỹ năng nghe, nói và kiểm tra đánh giá. Như vậy, nếu ở trường nào mà giáo viên chú trọng quá mức việc dạy trẻ tập viết thì phụ huynh sẽ thấy học sinh đang bị học nặng. Hay trường nào cũng lấy “vở sạch chữ đẹp” làm tiêu chí thi đua, khiến giáo viên bị áp lực, từ đó quá chú trọng vào viết chữ, bắt học sinh luyện viết thật nhiều thì sẽ khiến cả thầy lẫn trò “toát mồ hôi”.
Rõ ràng, những ý kiến phản hồi của giáo viên, phụ huynh là rất đáng quan tâm. Có thể nội dung chương trình không nặng nhưng cách phân bố nội dung chương trình trong SGK lại chưa phù hợp; hoặc dù SGK cũng đã phù hợp nhưng cách dạy của giáo viên lại chưa hợp lý. Bởi như GS Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra, khi tập huấn cho giáo viên một số nơi xây dựng giáo án chuyên đề, đã có tình trạng giáo viên tự ý nâng cao chương trình. Do đó, điều hết sức cần thiết hiện nay là Bộ GD-ĐT cần sớm kiểm tra, rà soát việc dạy và chọn SGK lớp 1 để kịp thời phát hiện những bất cập, có thể điều chỉnh các vấn đề kịp thời. Trong đó, Bộ GD-ĐT cần lưu ý một điều là theo chương trình mới, giáo viên được quyền quyết định thời lượng dạy học, tức là giáo viên hoàn toàn được quyền chủ động dạy làm sao để học sinh tiếp thu nội dung dạy trong SGK mà không cần “dạy vội”.
Một điều cũng cần làm rõ là chỉ vừa học 1 tháng, SGK lớp 1 mới đã bị phản ứng, điều này có thể do chúng ta thực hiện xã hội hóa SGK, có nhiều bộ SGK nên mỗi SGK có quan điểm biên soạn, đặc điểm riêng, phù hợp với những đối tượng riêng, điều đó cho thấy các cơ sở giáo dục cần lựa chọn sách phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện dạy và học của địa phương mình. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục là rất quan trọng. Không thể khoán trắng việc giáo dục, dạy dỗ con trẻ cho nhà trường, mà phụ huynh nên đồng hành thầy cô để giáo dục con em mình. Phụ huynh không cần làm thay thầy cô mà nên quan tâm dạy con ngoan ngoãn, sống có nề nếp, có ý thức tự học và cũng nên kiểm tra xem con đã hiểu bài chưa, nếu có điều kiện hướng dẫn con học thì càng tốt mà không nên quá căng thẳng. Nhưng để phụ huynh đồng hành được cùng con, nhà trường phải hướng dẫn cụ thể; giáo viên trong mối liên hệ với phụ huynh cũng không được gây căng thẳng, áp lực không cần thiết.
Chương trình giáo dục phổ thông mới có thể nói đã được chuẩn bị rất kỹ càng, mất nhiều thời gian, công sức của các nhà sư phạm. Thậm chí, Quốc hội phải ban hành nghị quyết lùi 2 năm thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới so với kế hoạch trước đó. Tương tự, SGK lớp 1 mới cũng đã trải qua quá trình thẩm định kỹ càng, công phu. Hội đồng thẩm định SGK gồm các nhà khoa học, nhà giáo rất am hiểu lĩnh vực chuyên môn, trong hội đồng phải có tối thiểu 30% thành viên là giáo viên trực tiếp dạy môn học có sách được thẩm định. Do đó, SGK để được thông qua bản thân nó đã phải phù hợp với yêu cầu của chương trình và thực tiễn dạy học. Một tháng có lẽ chưa đủ căn cứ xác đáng để đánh giá SGK lớp 1 nặng hay không, phù hợp hay không. Các em học sinh lớp 1, từ chỗ chưa biết chữ sang biết chữ là một bước chuyển rất lớn của đời người, không thể mong một chốc làm được ngay. Việc triển khai chương trình mới ở nơi này, nơi khác có thể có những bỡ ngỡ bất cập, nguyên nhân ở đâu sẽ khắc phục ở đó. Ngành GD-ĐT chắc hẳn rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền, các ban ngành địa phương và phụ huynh học sinh để vượt qua những khó khăn ban đầu.
Câu chuyện về chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy, chúng ta cũng cần tôn trọng sự đổi mới, bình tĩnh, thận trọng khi đánh giá về quá trình triển khai, áp dụng cái mới, nhất là khi việc áp dụng đó còn quá ít thời gian. Điều này rất cần thiết, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, mà với bất kỳ lĩnh vực nào, nhất là lĩnh vực cần nhiều sự đổi mới, sáng tạo như khoa học - công nghệ. Mọi sự đổi mới đều cần có thời gian để thẩm định kết quả, những nhận định, đánh giá vội vàng đều có thể gây áp lực đối với những người thực hiện, thậm chí gây hệ lụy xấu là triệt tiêu động lực đổi mới, sáng tạo.