35 viện, trường đại học dính “bản án” ngưng đào tạo tiến sĩ ở 101 chuyên ngành chỉ vì một nguyên nhân: chưa đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ khoa học. Như vậy, liệu đến ngày 15-5-2012 (thời hạn để các trường củng cố đội ngũ), những cơ sở này có kịp chuẩn hóa về người thầy để tái đào tạo hay nhiều chuyên ngành sẽ bị rút giấy phép?
Thiếu thầy!
Trong danh sách 35 cơ sở đào tạo tiến sĩ phải dừng tuyển sinh ở 101 chuyên ngành mà Bộ GD-ĐT vừa công bố có không ít các tên tuổi lớn như Trường ĐH Y Dược TPHCM - Hà Nội, Học viện Quân y, ĐH Kiến trúc Hà Nội - TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội… Nhiều chuyên gia cho rằng, công bố này là động thái tích cực và lẽ ra phải làm sớm hơn.
Tuy nhiên, giới chuyên môn tỏ ra bất ngờ với những tên tuổi lớn, có thâm niên đào tạo tiến sĩ đến 20-30 năm, cho ra đời biết bao tiến sĩ… lại không có đội ngũ kế thừa đành ngậm ngùi nói thật: thiếu thầy dạy. Vậy quy định mới về đào tạo tiến sĩ có quá chặt hay bản thân các trường lâu nay dù thiếu thầy (điều kiện tối quan trọng ở bất cứ hệ đào tạo nào) nhưng cứ có một học viên vào học sẽ cho ra một tiến sĩ?
PGS-TS Trần Văn Phơi, Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết: Trường bắt đầu đào tạo tiến sĩ từ năm 1987 và đến nay đã có 48 mã chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, theo quy chế cũ (quy chế 18 ban hành ngày 8-6-2000) chỉ cần đầy đủ đội ngũ, cơ sở, trang thiết bị là có thể đào tạo tiến sĩ được… Nhưng đến ngày 7-5-2009, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế mới, siết chặt hơn và trường bị vướng ở quy định “mỗi chuyên ngành phải có ít nhất 1 PGS và 4 tiến sĩ cùng ngành, trong đó có ít nhất 3 người cùng chuyên ngành đăng ký…”.
Sau một năm rà soát, Trường ĐH Y Dược TPHCM “phát hiện” có đến 6 chuyên ngành không đảm bảo vấn đề nhân lực, chủ yếu là các chuyên gia (GS, PGS) đầu ngành. Lý do, theo PGS Trần Văn Phơi, trong quá trình đào tạo, nhà trường chưa có giải pháp, chưa quan tâm đến vấn đề đội ngũ. Một phần vì thiếu người kế cận trong một số lĩnh vực, hơn nữa các chuyên gia đầu ngành đã qua tuổi đứng lớp giảng dạy.
Thực tế cho thấy, theo quy chế cũ, nhiều trường cứ đào tạo theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng nay đùng một cái bộ yêu cầu tất cả phải chuẩn hóa nên không tránh khỏi lúng túng, khó khăn. Cái khó ở đây đối với các cơ sở chính là vấn đề con người.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), dù điều kiện cơ sở vật chất có, trang thiết bị đảm bảo nhưng từ năm 2006 đến nay những ngành như: địa hóa học, khoáng vật học, thạch học và xác suất thống kê không có người đăng ký học. “Trước thực trạng không có người học nên trường lơ là, không quan tâm đến đội ngũ giảng dạy và một số chuyên gia cũng đã về hưu…” - PGS-TS Dương Ái Phương, Hiệu trưởng nhà trường giải thích.
Nhiều cơ sở đào tạo lớn khác như Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, Học viện Hải quân, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Y Hà Nội… cũng tạm dừng tuyển sinh do thiếu thầy.
Nhiều chuyên ngành sẽ “chết”?
Động thái siết chặt trong đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT một mặt cho thấy chủ trương của bộ muốn đào tạo những tiến sĩ đúng nghĩa, mặt khác cũng chứng tỏ Bộ GD-ĐT đã nhìn ra được những bất cập tồn tại suốt thời gian dài trong đào tiến sĩ. Thực tế cho thấy, quy chế đào tạo tiến sĩ trước đây thiếu chặt chẽ, điều kiện mở chuyên ngành đào tạo chỉ cần trường đảm bảo đủ về đội ngũ, cơ sở, trang thiết bị… là có thể tuyển sinh và cho ra lò những tiến sĩ.
Tuy nhiên, xét về góc độ quản lý, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban Đào tạo Đại học và Sau đại học (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng: “Việc dừng đào tạo tiến sĩ ở 101 chuyên ngành của Bộ GD-ĐT là chủ trương tích cực. Nhưng Bộ GD-ĐT chỉ dừng lại ở văn bản, thiếu kiểm tra thực tế các trường để “mục sở thị” e sẽ không đảm bảo công bằng. Chưa hết, sau thời hạn 15-5-2012, Bộ GD-ĐT cần rà soát, kiểm tra tất cả các cơ sở đã báo cáo củng cố đội ngũ như thế nào. Nếu báo cáo sai, gian dối phải xử lý nghiêm”.
Về thời hạn để các cơ sở kiện toàn lại “cỗ máy cái”, nhiều trường không khỏi băn khoăn. Thậm chí, nhiều chuyên ngành quan trọng có nguy cơ sẽ “chết” do không có thầy.
Theo PGS-TS Trần Văn Phơi, những chuyên ngành mà trường bị buộc tạm dừng tuyển sinh chủ yếu thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản như: hóa sinh học, huyết học, nội - nội tiết, ung thư. Thực chất những giáo sư đầu ngành trong những lĩnh vực này đã về hưu và lớp kế thừa hoàn toàn bị hổng. Để lấp lỗ hổng này thật sự không thể một sớm một chiều…
Cũng thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, ngành xác suất thống kê (toán học) của Trường ĐH Khoa học tự nhiên qua 4 mùa tuyển sinh (từ năm 2006 - 2010) không có học viên nào đăng ký. PGS-TS Dương Ái Phương lo lắng: Không chỉ tuyển sinh không được, vấn đề tìm thầy thật sự khó khăn. Những thầy chuyên về những chuyên ngành này đã rời xa bục giảng còn đội ngũ kế cận trường đang cố tìm kiếm nhưng quả thật rất khó.
Nhìn vào danh sách các cơ sở bị ngưng đào tạo tiến sĩ, ai cũng phải giật mình vì có những chuyên ngành ở một số đơn vị các mục cán bộ khoa học, giáo sư, phó giáo sư… chỉ là con số không tròn lẵn, có chuyên ngành chỉ có 2 - 3 cán bộ khoa học.
Như vậy, từ nay đến 15-5-2012, những chuyên ngành này làm sao có thể củng cố được lực lượng cán bộ khoa học đủ chuẩn để đào tạo. Và như thế, bài toán người thầy trong đào tạo tiến sĩ sẽ tiếp tục “mò kim đáy biển” để tìm lời giải.
* Theo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 7-5-2009, tại điểm b, khoản 1, Điều 4 nêu rõ: Điều kiện đăng ký mở chuyên ngành đào tạo phải có đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học (CBKH) cơ hữu của cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu đào tạo. Cụ thể, có ít nhất 1 PGS và 4 tiến sĩ cùng ngành, trong đó có ít nhất 3 người cùng chuyên ngành đăng ký. * 35 cơ sở đào tạo có 101 chuyên ngành chưa đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cán bộ khoa học phải dừng tuyển sinh từ năm 2010 để củng cố, bổ sung đội ngũ. Khi nào đủ điều kiện cán bộ khoa học theo quy định thì báo cáo bộ trước 15-5-2012 xem xét cho tuyển sinh lại. Sau ngày 15-5-2012, nếu cơ sở không báo cáo cập nhật về đội ngũ cán bộ khoa học của chuyên ngành nào, Bộ GD-ĐT sẽ thu hồi quyết định giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ của các chuyên ngành đó. |
Thanh Hùng