Một thời gian dài, những “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc… với những hành động ngông cuồng, hành động theo kiểu “thay trời hành đạo” bất chấp luật pháp liên tục được truyền tải trên YouTube, Facebook. Tiếp theo sau đó, hàng loạt clip đầy tính bạo lực của giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Mau chóng sau đó, cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng lật mặt và xử lý những tài khoản chứa nội dung bạo lực, nhiều “giang hồ mạng” bị xử lý vì vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hậu quả của những clip chứa nội dung bạo lực lan truyền trên mạng xã hội trong một thời gian dài đã tiêm nhiễm vào một bộ phận giới trẻ và dần lộ rõ qua những vụ việc mang tính bạo lực.
Những hành vi bạo lực được sản xuất thành sản phẩm truyền thông, lan truyền trên internet đã gây nguy hiểm cho xã hội và ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những hành vi bạo lực ấy. Những hành vi chửi bới, nói xấu, dọa nạt,… của những người khơi mào bạo lực bằng những trạng thái chia sẻ, bình luận và được đám đông “tay nhanh hơn não” tiếp sức, đã mau chóng đẩy nạn nhân vào đường cùng.
Trong cuốn Tâm lý học tội phạm, nhà tâm lý học người Mỹ, Tiến sĩ Stanton E. Samenow, cho rằng, công nghệ đã mở ra một thế giới tương tự cho tội phạm để chúng có thể tiến hành “nghiên cứu” và thực hiện kế hoạch. Với internet, tội phạm có quyền truy cập ngay lập tức để làm những gì chúng vẫn luôn làm - gian lận, lừa đảo, ăn cắp và đe dọa. Tiến sĩ Stanton E. Samenow cũng chỉ ra rằng, hành vi bắt nạt không phải mới nhưng bắt nạt trên không gian mạng thì lại mới mẻ và nó tạo ra cho những thanh thiếu niên và người trưởng thành có khuynh hướng phạm tội một đấu trường mới rộng lớn hơn, gây ra nhiều đau khổ hơn.
Những hành vi bạo lực, hành vi phạm tội của giới trẻ hiện nay ngày càng giống… cảnh trong phim hành động của Hollywood. Tội phạm ngày càng lộng hành và công khai, khi vừa thực hiện hành vi phạm tội vừa livestream, quay clip đăng tải lên mạng xã hội, như thách thức pháp luật.
Để ngăn chặn bạo lực trong xã hội bên cạnh chế tài pháp luật đã có, cần cấp thiết phải xây dựng thêm hành lang pháp lý và quản trị nghiêm ngặt nội dung bạo lực lan truyền trên internet. Bên cạnh đó, gia đình cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn khuynh hướng bạo lực đầy nguy hiểm hiện nay.