Ở thời điểm trước và trong những năm 2000, tại nhiều địa bàn các quận huyện của TPHCM rộ lên tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai trái phép và xây dựng không phép. Trong đó, xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) là địa bàn trọng điểm, có thời điểm phát hiện, xử lý hàng ngàn căn nhà trái phép được xây dựng ồ ạt trên các thửa đất nông nghiệp. Tiếp đến là địa bàn các phường, xã của quận Thủ Đức, 9, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh…
Năm 2004 các cơ quan chức năng xác định toàn thành phố có gần 100 ngàn căn nhà và khu đất thuộc dạng mua bán, chuyển nhượng và xây dựng trái phép. Để giải quyết “chuyện đã rồi”, một mặt thành phố tiến hành thanh, kiểm tra, kết luận và xử lý nhiều cán bộ sai phạm từ phường, xã đến quận huyện và một số sở ngành; một mặt đưa ra hướng giải quyết theo kiểu chốt thời điểm “hợp thức hóa” cho dân. Nhiều văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM được đưa ra lấy thời điểm trước ngày 1-7-2004, những căn nhà xây dựng, chuyển nhượng trái phép (thông qua giấy tay) đều được cấp giấy chứng nhận nhà đất, với điều kiện phù hợp quy hoạch, không tranh chấp, khiếu kiện…
Qua tổng hợp số liệu của các quận huyện mới đây, thành phố thống kê được trong những trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận nhà đất có hơn 93.600 trường hợp không đủ điều kiện cấp theo quy định. Nguyên nhân do chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 (chiếm 40%); lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép không phù hợp quy hoạch (23%); vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý (0,4%). Để xử lý những trường hợp này, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường chấp thuận cấp giấy chứng nhận đối với nhà, đất mua bán giấy tay sau ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-1-2008. Điều kiện là nhà, đất đó hiện sử dụng ổn định, phù hợp quy hoạch và không có tranh chấp, khiếu nại; đảm bảo yêu cầu về công khai, minh bạch, đồng thời thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Như vậy, đây là lần thứ hai thành phố “hợp thức hóa” những sai phạm về quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng, mà lỗi trước tiên thuộc về chính quyền địa phương đã không có những biện pháp quản lý hữu hiệu, để một số cán bộ có chức, có quyền cố ý làm trái, móc ngoặc với đầu nậu đất đai thao túng, hưởng lợi từ chính sách đất đai.
Thực tế, từ thời điểm sau ngày 1-1-2008 đến nay cũng đã có hàng chục ngàn căn nhà được mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay và xây dựng không phép. Trong đó chiếm tỷ lệ rất lớn là những căn nhà “3 chung” (chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng, chung số nhà) và nhà trong các khu phương án hạ tầng không đúng với Quyết định 33. Và rồi sớm muộn gì thành phố cũng phải có giải pháp “hợp thức hóa” những căn nhà sai phạm này, để tránh gây thiệt hại cho dân. Và sau lần “hợp thức hóa” này, nếu công tác quản lý nhà đất, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn vẫn bị buông lỏng, để xảy ra sai phạm thì chính quyền thành phố sẽ lại tiếp tục… chạy theo dân giải quyết “chuyện đã rồi”.
MINH ĐỨC