Điểm mới của dự thảo là biểu giá điện quy định giá điện mỗi bậc thang tính theo tỷ lệ % so với giá điện bán lẻ bình quân, nhưng khoảng cách giữa các bậc thang vẫn giữ nguyên như cũ. Theo lý giải của Bộ Công thương, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt được xem xét, nghiên cứu theo hướng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và dựa trên kinh nghiệm các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái lan, Malaysia…
Điểm mới nữa của dự thảo là sẽ điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất, để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng còn nhiều điểm bất cập, chưa sát với tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Cụ thể, ở những bậc thang đầu tiên, để được hưởng mức giá bằng 92%, 95% hay 110% giá bán lẻ điện bình quân, người tiêu dùng phải sử dụng điện ở mức tối đa theo lần lượt là từ 0 - 50kWh, 51 - 100kWh và từ 100 - 200kWh.
“Theo tôi, đã tính toán hỗ trợ phải nghĩ đến nhu cầu thiết yếu tối thiểu của mức sống người dân thì mới có tính thuyết phục và vận động người dân tiết kiệm điện. Nếu mỗi tháng một gia đình có 4 người mà chỉ sử dụng 50kWh hay 100kWh, đồng nghĩa với việc chỉ xài được mấy bóng đèn và cái quạt, không sử dụng các nhu cầu khác như nấu cơm, xem ti vi”, anh Phạm Văn Long (ngụ quận 12) than thở.
Trên thực tế, mức sử dụng điện hiện nay của người dân trung bình từ 300kWh/tháng trở lên, do đó phải chịu mức giá bằng 138%-159% giá bán lẻ điện bình quân.
“Trên thế giới không có nơi nào như Việt Nam, bán lượng càng nhiều lại càng đắt. Đây là cách hạn chế phát triển kinh tế, đời sống nhân dân, tạo lợi ích nhóm, độc quyền. Cách tính tiền điện kiểu này là đánh mạnh vào túi tiền đa số người dân, tôi thấy không hợp lý”, chị Nguyễn Thị Lý (ngụ quận Tân Bình) nói.
Trong khi đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, cần phải xem xét cụ thể số liệu, căn cứ tính toán từng biểu giá; nhất là phải quan tâm đến việc so với biểu giá điện cũ, doanh thu của ngành điện có tăng hay không. Ngoài ra, có thể tính đến phương án rút ngắn bậc thang giá điện hoặc cần phải xem xét thận trọng ở bậc thang nhiều người sử dụng nhất để áp dụng mức giá hợp lý.
“Xã hội hiện đại thì tối thiểu cũng phải có ti vi, tủ lạnh, khi đó tiêu dùng điện vọt lên ngay. Cho nên, cần phải xem xét lại tốc độ lũy tiến trong biểu giá điện. Đồng ý tính đúng, tính đủ, công khai các chi phí trong giá điện, nhưng phải có mức lũy tiến cho thích hợp. Nếu không, số hộ hưởng giá ưu đãi khi sử dụng dưới 50kWh điện chẳng đáng là bao, còn phần lớn người tiêu dùng phải chịu giá điện trên 100% giá bán lẻ điện bình quân, như vậy thì mức giá ưu đãi đó chỉ là… nói ra cho đẹp thôi”, một chuyên gia kinh tế phân tích.