Tuy nhiên, do cách làm quan liêu, hành chính xa rời thực tế, nặng về hình thức tên gọi văn bằng, chứng chỉ khiến những cái chứng chỉ tin học hay ngoại ngữ không có giá trị bị kết tội oan uổng. Chứng chỉ không hề có lỗi mà lỗi lại nằm ở chính những nơi đào tạo, cấp chứng chỉ, đóng dấu bừa bãi. Chính nơi tuyển dụng, sử dụng nhân lực cùng với hành vi gian dối của người muốn có chứng chỉ mà lười học khiến văn bằng, chứng chỉ “dỏm” trở thành… vấn nạn.
Trên thực tế, vấn nạn chứng chỉ “dỏm” không chỉ dừng lại ở tin học và ngoại ngữ, mà tại rất nhiều bộ, ngành khác, việc đào tạo và cấp phát chứng chỉ cũng rất tùy tiện. Ở nhiều khóa học, học viên chỉ đi học dăm ba ngày, nghe thuyết giảng hết khóa học rồi cũng nhận được chứng chỉ. Không loại trừ việc lợi dụng chính sách tiêu chuẩn hóa cán bộ công chức để làm tiền học viên qua việc đào tạo và cấp chứng chỉ này chứng chỉ nọ. Có thể thấy, trong tuyển dụng hay thăng hạng giáo viên, ngành giáo dục cần xem xét vị trí việc làm của các giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên cơ sở bản mô tả công việc thì họ cần ngoại ngữ, tin học đến mức nào và cần kiểm tra những kỹ năng ấy trực tiếp khi tuyển dụng qua phỏng vấn hoặc khả năng đọc hiểu tài liệu dạy học tương ứng bằng ngoại ngữ, cũng như kỹ năng thông tin (tìm, đọc hiểu thông tin, cất giữ, truy xuất và giao dịch điện tử) là đủ. Mặt khác, nhà trường cũng phải có môi trường để giáo viên được tuyển dụng có thể sử dụng ngoại ngữ trong công việc dạy học của mình, đánh giá tác dụng của ngoại ngữ và tin học trong việc cải thiện chất lượng dạy học. Một trường học mà “bói” không ra tài liệu ngoại ngữ và hệ thống công nghệ thông tin nghèo nàn, thì việc yêu cầu kỹ năng ngoại ngữ hay tin học cũng chỉ là yêu cầu... cho có.
Theo kinh nghiệm quốc tế, muốn có một chứng chỉ đảm bảo giá trị thì cần phải có kiểm định xác nhận chất lượng của một cơ quan độc lập. Cơ quan này sẽ xem xét về quy trình xây dựng chương trình, nội dung chương trình đào tạo (hay bồi dưỡng) được phát triển thế nào? Ai phát triển? Chuẩn đầu ra của chương trình (người học làm được gì sau khi học xong khóa đào tạo?) Điều kiện đảm bảo chất lượng (đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, giáo trình, học liệu, cơ sở vật chất, thời gian đào tạo, tổ chức dạy lý thuyết và thực hành, thi kiểm tra đánh giá, thanh tra lớp học) và xem xét chương trình có được đánh giá và cập nhật thường xuyên hay không? Khi có đầy đủ các yếu tố trên thì mới được phép đào tạo và cấp chứng chỉ. Nhưng, ở Việt Nam hiện nay hầu hết không theo cách tiếp cận đảm bảo chất lượng nói trên, nên chứng chỉ xác nhận năng lực trình độ hay kỹ năng của người nào đó sẽ khó mà trung thực được. Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương nếu chỉ dựa vào những thứ không chuẩn về chất lượng để chuẩn hóa sẽ là một cái sai, khiến số người chạy chọt, mua bán chứng chỉ gia tăng khi muốn được tuyển dụng vào viên chức hay công chức.
Đối với công chức ở hầu hết các vị trí làm việc thì ngoại ngữ và tin học là bắt buộc nhưng cũng không nên chú trọng vào chứng chỉ mà nên có cách tuyển dụng phỏng vấn, sát hạch trực tiếp. Ai không đáp ứng được khi đang ở vị trí công chức cần ngoại ngữ có thể yêu cầu đi học thêm, nếu không thì loại bỏ ra khỏi bộ máy. Cần chú ý là tháng 10-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn Khung Trình độ quốc gia Việt Nam, quy định yêu cầu về trình độ ngoại ngữ trong chuẩn đầu ra thuộc mỗi trình độ đào tạo. Trách nhiệm của các trường ĐH, CĐ là phải thực hiện nghiêm túc điều này và đặc biệt người học hãy tự trọng để văn bằng, chứng chỉ của mình là thực chất, đủ lòng tin cho nhà tuyển dụng. Khi ấy, chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học sẽ không còn là thứ có thể mua bán hỗn tạp bên ngoài xã hội được nữa.