
Án mạng dẫu sao cũng đã xảy ra rồi, kẻ thiệt mạng, người chắc chắn bị pháp luật trừng trị, nếu thoát hình phạt cũng phải sống chuỗi ngày dằn vặt với lương tâm. Dư chấn để lại thật khó lường đối với gia đình đôi bên, với thầy cô, bạn bè và xã hội. Vấn đề còn lại là phải làm sao để những trường hợp đau lòng tương tự không xảy ra nữa!
- Thầy Võ Tấn Thông
Trưởng phòng Công tác Chính trị ĐH Bách Khoa TPHCM: “Phải sâu sát sinh viên hơn nữa”

Phạm Hoài Quốc trúng tuyển vào khoa Điện-Điện tử ĐHBK năm 2001. Quốc học khá nhưng đã bị xóa tên trong danh sách từ ngày 13-4-2006 với lý do: không hoàn thành các môn học và tạm dừng học quá thời gian cho phép. Âu Thục Đoan Chinh là SV khá, ngoan, hiền của khoa Môi trường, cũng có hoàn cảnh đặc biệt do cha mất sớm...
Vì số lượng SV của trường rất đông (16.000 SV chính quy, 6.000 SV tại chức…), hơn nữa Quốc đã bị buộc thôi học, chuyện các em yêu nhau diễn ra thầm kín và bên ngoài nhà trường nên án mạng xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Tuy mỗi năm trường đều có tổ chức các buổi sinh hoạt, mời chuyên gia tâm lý, giáo dục tình yêu, hôn nhân và gia đình đến nói chuyện với các em nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ phải sâu sát, quan tâm đến đời sống tâm tư, tình cảm của các em hơn nữa…
- Thầy Nguyễn Huy Long
Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ Thuật TPHCM: “Ký túc xá của trường có đủ chỗ cho tất cả các em”
An Hạ là SV khá, ngoan, tích cực tham gia nhiều hoạt động của nhà trường, một số tác phẩm mỹ thuật đương đại của em cũng được dư luận chú ý. Hạ ở KTX, cho đến thời gian gần đây em ra ngoài thuê phòng trọ và sự việc đáng tiếc xảy ra, mà theo tôi, nếu em vẫn ở KTX và chịu sự giám sát của Ban quản lý KTX sẽ không đến nỗi. Tuần qua, chúng tôi cũng đã mời chuyên gia tư vấn tình yêu, hôn nhân & gia đình tới tăng cường sinh hoạt nhằm góp phần giải tỏa những gút mắc trong đời sống tình cảm của các em. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ có biện pháp quản lý các em chặt chẽ hơn như hạn chế việc để các em tự ý ra ngoài thuê phòng trọ…
- Luật sư Nguyễn Thị Phi Điệp
Đoàn Luật sư TPHCM:“Ra đầu thú và thành thật khai báo là những tình tiết giảm nhẹ...”

Khung hình phạt cao nhất cho hành vi giết người được xác định là do động cơ đê hèn (trong 2 trường hợp trên là chiếm hữu không được, tức tối, thù hận vì không được yêu…) là tử hình.
Tuy nhiên, nếu xét thấy có phần lỗi ở nạn nhân, nhân thân bị cáo tốt, nếu gia đình nạn nhân đồng ý bãi nại, xin ân giảm, gia đình bị cáo khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại hoặc bản thân bị cáo được xác định là có tiền sử bệnh tâm thần… sẽ có những tình tiết giảm nhẹ.
Song, theo tôi, cụ thể 2 vụ án trên lại có những tình tiết chắc chắn sẽ tăng nặng như: giết người có chủ đích, có sắp xếp trước, cách thức thực hiện lạnh lùng, dã man, ảnh hưởng phim ảnh bạo lực…
- Cô Dư Mỹ Lệ
Giáo viên chuyên ngành Công nghệ Môi trường, chủ nhiệm của SV Âu Thục Đoan Chinh: “Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc...”
Do số lượng SV quá đông (trung bình từ 40-85 em/lớp) nên quả thật GVCN cũng chưa thể sâu sát hết. Ngoài điểm số tương đối khá, Đoan Chinh là cô gái kín đáo, rụt rè nên cho dù có chuyện gì, chưa chắc em đã thổ lộ. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, khiến bản thân tôi, các thầy cô cùng tập thể lớp rất đau lòng. Chúng tôi thành thật chia buồn cùng gia đình em và xin rút kinh nghiệm sâu sắc…
- SV Phan Vũ An
Ban chấp hành Đoàn trường ĐH Bách Khoa: “Sẽ thành lập tổ tư vấn cho sinh viên…”
Đoàn trường ĐHBK có các hoạt động phong trào rất mạnh, có mạng nội bộ, có cả đường dây nóng để các bạn phản ánh bức xúc, tâm tình… Tuy nhiên, thực tế rất ít SV sử dụng đường dây này. Cũng do SV quá đông, quả thật chúng tôi chưa thể tiếp xúc hết. Thông qua sự việc này, chúng tôi nghĩ cần thiết phải thành lập tổ tư vấn riêng cho SV, nhất là các bạn nữ, nhằm kịp thời hỗ trợ các bạn nhận thức đúng đắn về tư tưởng, tình cảm, lối sống…
- Bà Lê Minh Nga
Chuyên gia Tư vấn Tâm lý, Nhà giáo Ưu tú: “Cần cảnh giác và tự bảo vệ mình…”

Giết người mình từng rất mực yêu thương - theo tôi - rơi vào một số trường hợp: Thứ nhất là yêu đơn phương, tự kỷ, bệnh hoạn, tình cảm không được đáp trả, gây tức giận, tình yêu lập tức biến thành thù hận, muốn giết chết người đó để trả thù. Thứ hai là tình yêu giữa một bên sâu sắc, một bên hời hợt; một bên đòi hỏi nhiều, một bên không đáp ứng như mong đợi, mâu thuẫn và chịu đựng kéo dài cho đến khi xuất hiện người thứ ba khiến giọt nước tràn ly...
Cũng không ít trường hợp 2 người yêu nhau nhưng đôi bên gia đình ngăn cản, họ rủ nhau tìm đến cái chết, do ảnh hưởng từ tiểu thuyết, từ phim tình cảm lãng mạn. Tuy nhiên, 2 vụ án trên nhiều khả năng rơi vào 2 trường hợp đầu.
Những trường hợp trên rất dễ dẫn đến án mạng nhưng cũng có thể can thiệp kịp thời nếu được gia đình, bạn bè, nhà trường, đoàn thể… quan tâm, phát hiện sớm; và điều quan trọng nhất vẫn là bản thân người trong cuộc phải tỉnh táo cảnh giác, đề phòng, tự bảo vệ mình trước khi quá muộn.
NHỮNG LỜI KHUYÊN - Trong nhiều trường hợp, cụ thể ở 2 trường hợp trên, ta đều thấy có tình tiết xin “gặp mặt lần cuối”, “nói chuyện lần cuối trước khi chia tay”. Đây chính là dấu hiệu rõ nét có thể trực tiếp nguy hiểm đến tính mạng. |
THẢO PHẠM