Đừng để hụt hơi vì kỳ vọng

SẼ CÓ CHỈ SỐ INDEX OTC Ở VIỆT NAM
Đừng để hụt hơi vì kỳ vọng

Có thể nói, trong tháng 11-2007 này, giới đầu tư chứng khoán quan tâm 2 mã cổ phiếu: một ở trên sàn là Đạm Phú Mỹ; một xem như dưới sàn vì chưa IPO là Vietcombank (VCB). Hai cổ phiếu này tác động trực tiếp đến thị trường và cả tâm lý nhà đầu tư (NĐT) làm cho thị trường cứ “lình xình”. Tuy nhiên, thị trường còn chịu tác động bởi nhiều nguyên nhân khác nữa.

Từ câu chuyện cổ phiếu “ông kẹ”

Đừng để hụt hơi vì kỳ vọng ảnh 1

Trong tình hình thị trường hiện nay, nhiều NĐT phải cẩn thận phân tích từng mã cổ phiếu để đầu tư. Ảnh: Việt Dũng

Đầu tuần trước (5-11), cổ phiếu Đạm Phú Mỹ (Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí) với mã chứng khoán DPM chính thức “bước” lên sàn giao dịch TPHCM đã làm không ít NĐT bị “hố hàng”.

Cổ phiếu “ông kẹ” này một lần nữa cho thấy sự kỳ vọng của NĐT không như ý muốn. Sở dĩ gọi DPM là “ông kẹ” bởi cho đến thời điểm này số lượng cổ phiếu giao dịch của DPM lớn nhất tại sàn giao dịch TPHCM: 380 triệu cổ phiếu, giá trị cổ phiếu niêm yết là 3.800 tỷ đồng.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 100.000đ/cổ phiếu (biên độ giao dịch trong ngày đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu), thế nhưng khi đóng cửa còn 95.000đ/cổ phiếu. Và đúng một tuần sau (12-11), cổ phiếu này rớt xuống còn 85.000đ/cổ phiếu.

Trước thời điểm DPM niêm yết trên sàn, nhiều người săn lùng mua cổ phiếu này (OTC) với giá khá cao 7 – 8 chấm, tuần cuối cùng chốt danh sách để lưu ký niêm yết đã vọt lên 8 – 9.5 chấm nhưng không có hàng để mua.

Rất nhiều NĐT kỳ vọng rằng sau khi lên sàn, giá của DPM sẽ tăng cao, “bèo” nhất cũng tăng được 30% - 40% (khoảng 130.000đ – 140.000đ/cổ phiếu) trong tuần đầu tiên. Vì giới đầu tư nhận thấy đây là một công ty lớn, làm ăn có lãi, có thương hiệu và điều quan trọng nhất là cổ phiếu lúc còn OTC rất gần với giá trị thật của doanh nghiệp. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra.

Quay lại lịch sử của DPM sẽ thấy có nhiều chi tiết thú vị. Trước ngày đấu giá IPO, vì là thương hiệu lớn nên NĐT đã đặt chỗ mua bên ngoài hơn 100.000đ/cổ phiếu, thế nhưng đến ngày IPO (21-4-2007) thì gặp lúc thị trường đang xuống dốc, chỉ số VN-Index xuống gần 900 điểm, nên người đăng ký bỏ thầu kém hứng khởi, sức mua yếu. Giá đấu bình quân lúc đó là 54.400đ/cổ phiếu (chỉ đạt 50% giá như dự đoán ban đầu).

Trong tình huống này Đạm Phú Mỹ xem như đơn vị đầu tiên nổ phát súng tạo lập một mặt bằng giá thấp lúc đó. Bằng chứng là DPM đã tạo ra phản ứng dây chuyền làm rất nhiều mã cổ phiếu khác (cả trên sàn lẫn dưới sàn) giảm theo.

Vì một cổ phiếu có thương hiệu như DPM mà giá thấp như thế chẳng lẽ nhiều cổ phiếu không thể sánh vai giá lại cao? (Trước đó, mặc dù chỉ số VN-Index xuống thấp nhưng nhiều cổ phiếu – nhất là OTC, vẫn còn ở… trên trời).

“Dù sao cũng cảm ơn DPM vì đã cho giá mặt bằng chuẩn, gần với giá trị thật của cổ phiếu và cho đến bây giờ khi đã niêm yết trên sàn, DPM vẫn được xem là cổ phiếu chuẩn mực và có tiềm năng để NĐT so sánh, cho dù đang giảm giá”, anh Thái Hoàng Long, một nhà đầu tư tại sàn Rồng Việt, nói.

Đến thị trường “lình xình”

Suốt tuần qua, chỉ số VN-Index “vùng vẫy” để giữ ngưỡng trên 1.000 điểm nhưng rất khó khăn. Ngày thứ 2 đầu tuần (12-11), chỉ số VN-Index đã xuống gần đụng 1.000 điểm (1.006,12 điểm), qua ngày thứ 3 (13-11) đã “phá đập” 1.000 điểm (còn 973,59 điểm) và theo dự đoán của giới chuyên môn thì trong tuần này chỉ số VN-Index vẫn ở dưới 1.000 điểm.

Vì sao thị trường mới phục hồi được 2 tháng lại có xu hướng đảo chiều? Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số sàn, NĐT râm ran rằng theo chu kỳ, cuối tháng 11 và đầu tháng 12, chỉ số VN-Index sẽ giảm sâu, ở khoảng 950 điểm.

Thị trường hiện nay đang “về số lùi”  để lấy trớn vọt lên vào thời điểm đầu năm 2008 (gần Tết Nguyên Đán). Lúc đó chỉ số VN-Index có thể trở lại vượt ngưỡng trên 1.000 điểm. Vì vậy nhiều NĐT bán cổ phiếu lấy vốn chờ thị trường xuống thấp để mua vào, làm cho thị trường giảm (giảm 15 – 20% so với đầu tháng 9-2007).

Một lý do nữa khiến thị trường giảm là do nhiều NĐT bán cổ phiếu trên sàn để tập trung vốn đón mua cổ phiếu IPO của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) dự kiến diễn ra vào cuối năm.

Giới đầu tư chứng khoán kháo nhau, với tình hình thị trường như hiện nay thì giá của Vietcombank sẽ không cao, khoảng 5 – 6 chấm/cổ phiếu (50.000 – 60.000 đồng) là giá tốt để mua.

Theo họ, với giá đó, khi Vietcombank niêm yết trên sàn, thị giá cổ phiếu sẽ tăng ít nhất là 50% (tức ở khoảng 70.000 – 90.000 đồng/cổ phiếu). Có người còn lạc quan là sẽ tăng 100%.

Vì so với ngân hàng Sacombank (niêm yết ở sàn TPHCM) và ACB (niêm yết sàn Hà Nội) thì Vietcombank xếp vào loại “đàn anh”. Chính sự so sánh này cũng đã làm ảnh hưởng đến cổ phiếu Sacombank, từ mức giá 72.000đ (giữa tháng 9-2007), nay giảm xuống còn 63.500đ/cổ phiếu (12-11-2007).

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Quý – giảng viên chuyên ngành chứng khoán, rất nhiều người đang quá kỳ vọng vào Vietcombank nhưng không chú ý rằng việc phát hành cổ phiếu của Vietcombnak trong giai đoạn 1 sẽ là 30% vốn điều lệ, trong đó phần được đấu giá công khai trong nước là 6,5% vốn điều lệ, tức chỉ còn lượng cổ phần tương đương 975 tỷ đồng, nếu so với các ngân hàng thương mại cổ phần đang tăng vốn hiện nay (nhiều ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng) có khi còn ít hơn nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường như nhiều người dự đoán.

Cũng phải thừa nhận rằng, do Vietcombank đang ở hàng đẳng cấp cộng, lại là cổ phiếu ngành ngân hàng (lại là ngân hàng lớn) mới được thị trường định giá, nên gây ảnh hưởng ít nhiều đến NĐT, vì đã đầu tư, kinh doanh thì chắc chắn họ sẽ lấy cổ phiếu của Vietcombank để so sánh xem có cần cơ cấu lại danh mục đầu tư hay không. Tuy nhiên, các NĐT đừng để hụt hơi vì quá kỳ vọng vào một loại cổ phiếu nào bởi lẽ thực tế thị trường hiện nay nhiều mã cổ phiếu thuộc hàng blue-chip cũng lao đao. 

Hiện nay thị trường chứng khoán giảm là do nhiều nguyên nhân: dòng tiền chuyển sang thị trường bất động sản; thời điểm cuối năm các NĐT chứng khoán là dân kinh doanh dành tiền để trữ hàng bán Tết; thị trường chứng khoán (niêm yết và chưa niêm yết) xuất hiện nhiều mặt hàng mới, có thương hiệu, góp phần tăng nguồn cung, làm cho nguồn cầu phân tán. 

NGUYỄN TẤN VIỆT 

Đừng để hụt hơi vì kỳ vọng ảnh 2

Tin cùng chuyên mục