Đừng để lợi ích nhóm chi phối sách giáo khoa

Theo lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2020-2021, SGK lớp 1 mới được đưa vào dạy học và đây là vấn đề đang được xã hội rất quan tâm, bởi việc thẩm định SGK mới gây nhiều ý kiến trong cộng đồng. Trong lần thẩm định SGK lớp 1 mới, có một số bản thảo bị đánh giá “không đạt, bị loại, trong đó có bộ sách giáo dục công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại. Sau 2 vòng thẩm định, Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố các bộ SGK lớp mới được công nhận như đã cam kết, thời gian công bố được lùi từ tháng 10 sang tháng 11 này. 

Thế nhưng, trong khi Bộ GD-ĐT chưa công bố chính thức thì Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam với những động thái như tổ chức hội thảo, có công văn gửi các địa phương..., đã giới thiệu rộng rãi 4 bản mẫu SGK do NXB này biên soạn, mà theo họ là 4/5 bản mẫu SGK lớp 1 mới đã được Bộ GD-ĐT thẩm định xong vòng 2, chỉ chờ hoàn thiện thủ tục để công bố chính thức. 

Một số ý kiến cho rằng, “đối thủ” của NXB Giáo dục Việt Nam trong lần thay SGK mới lần này cũng có những động thái tương tự để giới thiệu bộ sách của mình. Điều đó cho thấy, ngay cả khi Bộ GD-ĐT chưa công bố SGK mới, các NXB đã “nhanh nhảu” chiếm lĩnh thị trường, khiến nhiều người hoang mang.

Nhiều chuyên gia lo ngại: Mới bắt đầu thực hiện chủ trương nhiều SGK đã như thế thì làm sao triển khai được xã hội hóa SGK? 

Trước đây, theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Xuất bản, chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam được làm SGK. Nay, theo Nghị quyết 29 của Trung ương về Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Nghị quyết 88 của Quốc hội về thực hiện chương trình và SGK giáo dục phổ thông mới cũng như Luật Giáo dục sửa đổi, việc biên soạn SGK được xã hội hóa. Bất cứ một tổ chức, cá nhân nào đáp ứng điều kiện của Thông tư 33 của Bộ GD-ĐT (về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK) cũng có thể biên soạn SGK và nếu được hội đồng thông qua, sẽ được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt cho sử dụng. Như vậy, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK phải được diễn ra theo hướng cạnh tranh về chất lượng, có lợi cho người sử dụng. Nếu không, sẽ là sự cạnh tranh không lành mạnh. 

Trong bối cảnh đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát, thẩm định chặt chẽ, công khai, khách quan, bảo đảm chất lượng SGK mới; báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện điểm c, khoản 1, Điều 32, Luật Giáo dục năm 2019 từ ngày 1-1-2020 để hướng dẫn UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn SGK kịp triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021 theo đúng lộ trình quy định của Quốc hội. 

Như vậy, luật định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng trên địa bàn nhưng phải theo quy định của Bộ GD-ĐT. Hiện nay, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT thì Bộ GD-ĐT đang soạn thảo thông tư quy định về việc thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Theo đó, mỗi tỉnh sẽ có 1 hội đồng tham vấn cho lãnh đạo tỉnh trong việc lựa chọn SGK dùng để dạy học tại địa phương mình. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là trong thành phần của hội đồng này phải có giáo viên trực tiếp giảng dạy và chiếm 1/3 số lượng để có thể chọn được những cuốn SGK phù hợp nhất. Các giáo viên trong hội đồng phải bảo đảm yêu cầu đại diện được cho cả vùng thuận lợi và khó khăn để có tiếng nói chung trong việc chọn SGK sát với thực tế, tránh để giáo viên nơi thuận lợi chọn SGK cho học sinh vùng khó khăn và ngược lại.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là rất rõ ràng, là nội dung quan trọng mà Bộ GD-ĐT phải thực hiện tốt trong thời điểm này. Bên cạnh việc rà soát, thẩm định chặt chẽ, công khai, khách quan, bảo đảm chất lượng SGK mới để chính thức công bố các bản SGK, Bộ GD-ĐT cần sớm có hướng dẫn UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn SGK mới. SGK giáo dục phổ thông liên quan đến mọi học sinh. Vì vậy, vấn đề quản lý SGK cần bảo đảm hiệu quả. Thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” là để huy động trí tuệ của xã hội, phát huy dân chủ trong giáo dục. Do đó, để chọn bộ SGK tốt thì không nên tập trung quyền lựa chọn vào một vài người, bởi nếu tập trung quyền lực vào một vài cá nhân rất dễ bị lạm dụng, bị chi phối bởi lợi ích nhóm, không phục vụ mục đích chung.

Tin cùng chuyên mục