Mới đây, thêm một vụ học sinh tự tử vì áp lực từ chuyện học hành vừa xảy ra trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Đó là em Đ.T.T.T., nữ sinh lớp 11, ngụ ở xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.
Chỉ vì buồn chán, thất vọng về kết quả học tập cuối học kỳ 1, em đã nhờ bạn cùng lớp chở đến đập nước Phước Hòa (thuộc xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), leo lên thành đập cao rồi bất ngờ nhảy xuống lòng đập tự vẫn. Trong chiếc ba lô T. để lại có 5 lá thư tuyệt mệnh gửi bố mẹ, chị gái và bạn bè. Đáng nói là trong những lời gửi gắm sau cùng đó, T. đã thể hiện sự buông xuôi, mệt mỏi trước kết quả học tập không như ý của mình. “Năm nay con được học sinh trung bình, con phụ lòng bố mẹ rồi, tương lai sau này của con cũng không còn nữa, con xin lỗi, con xin lỗi bố mẹ… Tương lai con mù mịt, suy nghĩ con mù mịt, con đường con đi cũng mù mịt, mọi thứ xung quanh con mù mịt. Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thật sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được”.
Khi đọc những lời trăn trối của em, không ít người đã thốt lên đau đớn, chỉ là kết quả học tập học kỳ 1 thôi mà, vẫn còn cả học kỳ 2 và một năm lớp 12 cho em tiếp tục phấn đấu. Chỉ là xếp loại học lực trung bình, chưa đến mức yếu, kém hay bị lưu ban, đuổi học. Vậy mà kết quả đó đã khiến T. hoàn toàn suy sụp, mất hết niềm tin vào tương lai, xem mọi thứ xung quanh đều mù mịt. Có người đã trách cứ gia đình T. đặt quá nhiều kỳ vọng vào con gái, vô tình tạo ra áp lực khiến em cảm thấy hụt hẫng khi không hoàn thành được kỳ vọng đó. Người khác lại cho rằng chính sự hời hợt, thiếu quan tâm của giáo viên, bạn bè, khi một thành viên trong lớp bất ngờ có thành tích học tập sút kém (những năm học trước, T. đều xếp loại học sinh tiên tiến - PV) đã khiến em cảm thấy cô đơn, không có điểm tựa tinh thần trong lúc cần an ủi, chia sẻ. Vì không giãi bày được với ai nên cuối cùng T. đã chọn cách tự mình giải quyết, nhưng là giải quyết theo hướng tiêu cực.
Suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa nhất - cũng là yếu tố tác động mạnh nhất đến hành động tự tử chính là việc em thiếu kỹ năng đối mặt với áp lực trong cuộc sống.
Cách đây không lâu, vào khoảng tháng 10-2015, cũng xảy ra một vụ học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) tự tử vì bị điểm 2 môn toán. Đầu năm 2014 cũng xảy ra trường hợp nữ sinh ở Quảng Bình nhảy cầu tự tử vì bị bố trách mắng chuyện học hành. Không phải ngẫu nhiên khi mỗi năm đến mùa thi cử lại có nhiều trường hợp học sinh tự tử vì áp lực điểm số, buồn chán bản thân không thực hiện được kỳ vọng của gia đình nên chọn cách giải quyết đầy tiêu cực.
Học hành, thi cử nơi nào cũng có nhưng câu hỏi được đặt ra là vì sao ở các nước phát triển, học sinh ít bị áp lực nặng nề từ thi cử dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ, bộc phát. Hoặc ngay tại Việt Nam, trẻ ở các vùng nông thôn, ngoại thành ít buồn chán về kết quả học tập hơn học sinh ở thành thị dù điểm số, xếp loại học tập đa phần đều kém hơn. Vấn đề đặt ra chính là sự trang bị cho học sinh kỹ năng sống. Chúng ta không thể có một thế hệ học sinh khỏe mạnh về tinh thần, vững vàng trước các quyết định, lựa chọn nếu thiếu những bài học đầu đời về cách xử lý và vượt qua khủng hoảng, sẵn sàng đối mặt với khó khăn.
Song, để làm được điều đó cần có sự vào cuộc của cả trường học lẫn gia đình. Thay vì tạo ra áp lực, cả hai phía chỉ nên đặt ra những mục tiêu, khuyến khích học sinh phấn đấu thực hiện. Đồng thời cần cho các em thấy cuộc đời có rất nhiều lựa chọn, nếu không vượt qua được cột mốc này vẫn còn nhiều ngã rẽ khác để đi. Một cánh cửa khép lại sẽ có rất nhiều cửa khác mở ra, yếu tố quyết định thành công của giáo dục không phải là tạo ra những sản phẩm công nghiệp có vỏ bọc bằng cấp hoàn hảo nhưng rỗng tuếch tư duy, mà là tạo ra những con người có đầy đủ bản lĩnh, biết mình thiếu gì, cần gì, không ngừng học hỏi, đổi mới... Đừng để chuyện đau xót xảy ra rồi mới nói: Giá như không gây áp lực nặng nề cho con em. Giá như nhẹ nhàng động viên con em vượt qua những chấn động về kết quả học tập. Giá như…
MINH QUÂN