Thời gian gần đây, người dân thường thấy hình ảnh nhiều ca sĩ, nghệ sĩ như ca sĩ Hà Okio, Sỹ Luân, Phương Thùy Diễm, MC Nguyên Khang… xuất hiện tại các khu dân cư, trường học. Ở tại những nơi ấy, không có những sân khấu hoành tráng, không có lung linh ánh đèn và họ đến đây cũng không phải để biễu diễn mà chính là để tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng chung tay giữ gìn môi trường sống xanh, sạch.
Với vai trò đại sứ môi trường, các ca sĩ, nghệ sĩ cùng với lực lượng thanh niên tình nguyện tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức nhẹ nhàng. Cụ thể như hát cùng với người dân và tình nguyện viên; giao lưu về cách sống “xanh” mà họ đang thực hiện; trao đổi với người dân về những giải pháp “xanh”, cách bảo vệ môi trường tại khu phố mình luôn xanh, sạch... Bằng sự yêu mến của cộng đồng dành cho họ, họ đã và đang góp phần truyền lửa tình yêu môi trường của mình đến với cộng đồng. Đây đang là dạng truyền thông tạo nên những hiệu quả rất đáng khích lệ.
Nhiều năm qua, hoạt động bảo vệ môi trường đã và đang được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm sát sao. Hàng ngàn tỷ đồng đã được rót từ ngân sách nhằm làm tăng hiệu quả tuyên truyền cho công tác bảo vệ môi trường, vận động ngày càng nhiều người hơn tham gia vào hoạt động gìn giữ môi trường xanh, sạch.
Thế nhưng, tại nhiều cuộc họp, đánh giá hiệu quả truyền thông vẫn luôn còn nhiều hạn chế. Hạn chế phổ biến nhất là người dân vẫn cứ nghe nói phải biết bảo vệ môi trường nhưng bản thân họ không biết phải bảo vệ bằng cách nào, hành động ra sao? Một dẫn chứng khác nữa là hiện thông tin trên báo đài gần đây nói nhiều đến vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng phần lớn người dân không biết biến đổi khí hậu là gì và nếu sống thích ứng thì sống ra sao?
Đó chỉ là số ít thắc mắc trong hàng trăm thắc mắc mà trong quá trình tổ chức các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường, chúng tôi ghi nhận được. Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế trong thông tin tuyên truyền vẫn còn nhiều nguyên nhân xuất phát từ hành vi ứng xử với môi trường của người dân.
Đơn cử, tại ngày hội khu phố xanh được tổ chức tại chung cư Đào Duy Từ, quận 10 vừa qua, trong lúc hàng trăm tình nguyện viên và đại sứ thiện chí chương trình đang ra sức vận động người dân không xả rác bừa bãi thì cách đó không xa, dọc đường Thành Thái kéo dài đến đường Nguyễn Tri Phương quận 10 ngập tràn rác. Rác được xả ra từ chính tay các sinh viên, học sinh và phụ huynh học sinh tại các trường học dọc tuyến đường này.
Cảnh này cũng thường diễn ra mỗi mùa tuyển sinh đại học. Hàng triệu tờ rơi mời gọi đăng ký học thêm được các trung tâm in ấn và phát cho học sinh, sinh viên và phụ huynh. Tuy nhiên, thay vì các bạn xem xong bỏ vào thùng rác trước cổng trường thì họ lại tiện tay ném thẳng ra đường.
Trong khi chờ các cơ quan chức năng “mềm hóa” cách tuyên truyền, truyền thông kêu gọi cộng đồng góp phần cải thiện môi trường sống rất cần người dân nói chung và giới trẻ nói riêng ý thức hơn, thân thiện hơn trong hành vi ứng xử của mình với môi trường. Có như vậy mới tạo điểm chung giữa cơ quan chức năng và cộng đồng. Từ đó tạo nên hiệu quả tích cực cho hoạt động cải thiện chất lượng môi trường sống vốn đang bị suy giảm nghiêm trọng như hiện nay.
MINH XUÂN